Người dân địa phương, nhất là vùng Tam Đảo hầu như ai cũng biết về sự tích Quốc mẫu Tây Thiên - người xinh đẹp, giỏi giang, có tài thao lược, vừa là danh tướng giúp vua đánh giặc giữ nước vừa dạy dân trồng lúa.
Đền Hạ (Cổ) là một địa điểm linh thiêng thờ Quốc mẫu Tây Thiên, thuộc thôn Sơn Đình, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Khu Đền có diện tích gần 5.000 m2, cách cổng chính vào Khu danh thắng Tây Thiên khoảng 200m về bên trái. Đền được tu bổ, tôn tạo lại vào những năm 1990 và năm 2010.
Đền Hạ có cảnh quan đẹp và không khí trang nghiêm cổ kính
Đền Hạ còn được gọi là đền Tụ Nghĩa, bởi theo dân gian nơi đây chính là địa điểm Quốc mẫu chiêu mộ nghĩa binh và luyện quân đánh giặc ngoại xâm, gìn giữ giang sơn.
Ngôi Đền được xây dựng từ rất lâu đời. Đến nay đền còn lưu giữ được nền di tích, tượng Mẫu, quả chuông và một số di vật khác gắn liền với sự tích Quốc mẫu Tây Thiên linh hiển.
Tấm bia đá cổ lập từ năm Chính Hòa thứ 22 (tức năm 1710, thời vua Lê Hy Tông) nhằm tưởng nhớ công ơn của Quốc mẫu
Cây Lim xanh cổ thụ, niên đại hàng nghìn năm tuổi phía sau Đền Hạ
Phía ngoài Đền còn có hai câu đối cổ được lưu lại là Thiên bảo thời hanh sinh Quốc mẫu - Địa linh vận thái xuất thần tiên.
Đền có 5 ngày lễ, được tổ chức hằng năm vào các ngày âm lịch sau: ngày mùng 4/1 khai xuân; ngày 14/2 rước kiệu; ngày 15/1, 15/10 và 23/12 là lễ tất niên. Trong đó có hai ngày lễ chính là ngày 14/2 (đây là ngày Mẫu xuất quân) và ngày 15/10 (ngày Mẫu thu quân) có rước kiệu và tế lễ.
Biển nhắc nhở người dân khử khuẩn và đeo khẩu trang trước khi vào Đền
Năm nay, để phục vụ cho hoạt động đi lễ, viếng cảnh đền, Ban quản lý Khu di tích đã chuẩn bị kỹ lưỡng các biện pháp phòng chống dịch. Ngay trước đền Hạ đã đặt biển nhắc nhở người dân khử khuẩn và đeo khẩu, bên trong khuôn viên đền được bố trí các điểm rửa tay sát khuẩn.
Một số hình ảnh khác chụp từ Đền Hạ đầu xuân Nhâm Dần:
Cổng Khu di tích - Đền Hạ (Cổ)
Toàn cảnh Đền Hạ
Tấm bia đá trước cửa Đền
Sân khuôn viên trước cửa Đền
Bên trong gần ban thờ
Kiệu trong khuôn viên Đền