Sơn Nam Quán - văn hóa tâm linh trong lòng Phố Hiến

Đăng ngày: 27/04/2022 , 11:08 GMT+7

Phố Hiến là địa danh lịch sử thuộc thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Là mảnh đất có bề dày lịch sử, văn hiến, có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Là nơi phồn hoa đô hội, buôn bán sầm uất chỉ sau kinh thành Thăng Long, và đã từng được Người xưa ví rằng: “Thứ nhất Kinh Kỳ - Thứ nhì Phố Hiến”.

Nơi đây có một địa điểm văn hóa tâm linh nằm trong quần thể Phố Hiến cổ, thu hút đông đảo khách thập phương xa gần, đó chính là Sơn Nam Quán hay còn gọi là “Đền Bà Chúa Vực”.

Đền Bà Chúa Vực nằm ở phía Đông Bắc trong khuôn viên Sơn Nam Plaza tại đường Phạm Ngũ Lão, phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên, là nơi thờ chính của Bà Chúa Vực - Thiên Phi Linh Uyên Thánh Mẫu.

Tương truyền rằng Bà Chúa Vực xưa kia hay hạ phàm để giúp đỡ người dân thiện lành, phù trợ cho bách tính được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Chính vì vậy, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ để cảm tạ bà vì những gì bà đã giúp đỡ cho dân.

Lịch sử ghi lại rằng, vào năm Ất Mão, đê Đại Hà và đê Nễ Châu bị vỡ, lũ lụt tràn vào khiến làng mạc trở thành đầm vực sâu vô cùng nguy hiểm. Người dân Hưng Yên ra sức đắp đê nhưng xây đến đâu lại vỡ đến đó. Trong tình thế cấp bách như vậy, cụ Lãnh Thành và nhân dân trong vùng lập đàn cầu xin thần linh giúp đỡ. Khi ấy Bà Chúa đã hiển linh ngăn dòng nước lũ để nhân dân có thể đắp đê thành công ngăn lũ, cứu được đất đai, nhà cửa, ruộng vườn. Kể từ đó mọi người được sống trong bình an, làm ăn thuận lợi, mùa màng tốt tươi. Nhân dân ghi nhớ công ơn của vị thần đó nên đã lập đền thờ ngay chính trên con đê ấy và đặt tên là Đền Bà Chúa Vực thờ chính cung (Thiên Phi Linh Uyên Thánh Mẫu Thủy Cung).

Trải qua biến thiên khắc nghiệt của lịch sử, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đền bị phá dỡ, thánh tượng của Bà được nhân dân rước về thờ tự tại Chùa Hàn Lâm. Trải qua chiến tranh loạn lạc, ngôi đền bị phá hủy hoàn toàn. Đến sau này, người dân trong vùng muốn xây dựng, tôn tạo lại ngôi đền để thờ tự nhưng chưa có đủ điều kiện vật chất tài chính nên đành lực bất tòng tâm.

Xong, như một thiên duyên: Vào khoảng năm 2004, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Sơn Nam lập dự án xây dựng khu du lịch sinh thái tâm linh, nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân trong vùng. Mà ngôi đền Bà Chúa Vực lại nằm trong diện tích đất của công ty được giao. Với cái Tâm và tầm nhìn minh sáng, ban lãnh đạo Sơn Nam Plaza đại diện là bà Nguyễn Thúy Trang - vị nữ Chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm tổng giám đốc CTCP ĐT&PT Đô thị Sơn Nam đã đứng ra chung tay với nhân dân trong vùng, cùng phát tâm để tôn tạo lại ngôi đền được nguy nga, tráng lệ như bây giờ và đặt tên là Sơn Nam Quán.

Chính vì đền được tôn tạo đúng nơi đền cổ năm xưa, nên nhân dân khắp trong vùng và ngoài thôn đã kính đề nghị lãnh đạo công ty Sơn Nam Plaza rước tượng Bà về để nhân dân được phụng thờ chu đáo. Được sự cho phép của cơ quan chức năng, ban lãnh đạo công ty cùng với dân làng Phương Độ đứng ra tổ chức lễ nghênh rước thánh tượng Bà Chúa Vực từ chùa Hàn Lâm về. Tượng Bà Chúa Vực là pho tượng cổ, được xác định có từ thời Lê (khoảng năm 1428). Lễ đón rước được tổ chức long trọng với sự có mặt của đông đảo bà con nhân dân hai giới, quan khách, đặc biệt là các vị cán bộ lãnh đạo cấp Đảng ủy, chính quyền, cùng các ban ngành chức năng của địa phương, thành phố.

Kể từ đó, đền trở nên quy củ thiêng liêng trong tâm thức mỗi người dân nơi đây và cả những ai có dịp đặt chân ghé tới. Đền tọa lạc như một bông sen lớn ở chính đầm, nơi mà xưa kia xung quanh là đầm nước rộng mênh mông. Đền Bà Chúa Vực được xây dựng kiên cố, với rất nhiều loại cây quý, chim muông cá cảnh cùng với hệ thống thờ tự các vị Thần - Tiên thiên giới. Đến với đền ai cũng có cảm giác vừa linh thiêng vừa an yên và gần gũi.

Du khách ở thập phương khi đến đây còn được biết, ở ngôi đền thiêng này mang nhiều giá trị văn hóa tín ngưỡng với tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt - nơi mang hệ thống thờ tự phong phú và độc đáo có một không hai trên cả nước. Qua đó càng thêm kính yêu tổ tiên theo truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” - “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của người Việt.

Hàng năm cứ vào những ngày đầu xuân năm mới, Tết đến xuân về, hay ngày kỵ nhật của Chúa Bà, nhân dân địa phương cùng khách thập phương xa gần lại đổ về Đền dâng hương kính lễ, nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, còn xin Bà ban cho sức khỏe, bình an. Mọi người còn truyền nhau rằng Đền Bà Chúa mà người có tâm thì cầu được ước thấy, nên con nhang đệ tử cực kỳ nhất tâm khi dâng hương kính lễ Chúa Bà.

Cứ đến ngày 23 tháng 5 âm lịch tức ngày kỵ nhật của Bà Chúa Vực là nhân dân địa phương lại mở hội, cúng lễ cầu nguyện Chúa Bà ban phước lành cho muôn dân bách tánh. Đền cũng tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa Việt như hát trống quân, hát cò lả, v..v... thu hút đông đảo nhân dân tham dự. Vì lẽ đó Đền Bà Chúa Vực là một địa chỉ du lịch tâm linh văn hóa tín ngưỡng thiêng liêng vô cùng hấp dẫn và không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước.

Hoàng Oanh.

Đăng ngày: 27/04/2022 , 11:08 GMT+7

Tin liên quan