Đầu năm đi chùa cầu an, cầu phúc được xem là một hoạt động không thể thiếu trong văn hóa tâm linh của người Việt. Dọc miền đất nước, có biết bao ngôi chùa nổi tiếng không chỉ về sự linh thiêng mà còn là nơi lưu giữ văn hóa - lịch sử với về dày vài trăm năm.
Quần thể chùa Bái Đính (Ninh Bình)
Chùa Bái Đính (Ninh Bình)
Chùa Bái Đính xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Đây là một quần thể chùa lớn với nhiều kỷ lục được xác lập tại châu Á và Việt Nam. Nằm trên đỉnh núi Bái Đính, kiến trúc chùa nguy nga, lộng lẫy giữa núi non hùng vĩ đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh. Do đó, chùa được đánh giá là đẹp nhất Việt Nam, bất kỳ ai cũng nên đến một lần trong đời.
Chùa Bái Đính là ngôi chùa sở hữu nhiều kỉ lục lớn tầm quốc gia và khu vực của Việt Nam
Quần thể chùa rộng lớn với nhiều khu khác nhau như chùa Bái Đính cổ, đền Thánh Nguyễn, đền Cao Sơn, Giếng Ngọc,… Tại chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất Châu Á, có hành lành lang La Hán dài nhất Á, có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á,… Đặc biệt, với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, không khí trong lành, thoáng mát sẽ khiến cho du khách cảm thấy thanh thản, trút bỏ được mọi lo toan thường nhật khi trở về chốn này.
Chùa Một Cột (Hà Nội)
Chùa Một Cột hay còn gọi là Diên Hựu Tự hoặc Liên Hoa Đài là một biểu tượng văn hóa ngàn năm của Hà Nội. Chùa tọa lạc tại công viên phía sau phố Ông Ích Khiêm, phường Đội Cấn, quận Ba Đình.
Chùa Một Cột
Ngôi chùa được xây dựng vào năm 1049 (Kỷ Sửu),dưới thời vua Lý Thái Tông. Với kiến trúc độc đáo, mang hình dáng của một tượng đài bông sen nở rộng với điểm tựa duy nhất chính là cột đá chính giữa. Tại đây thờ tượng Phật Bà Quan Âm.
Chùa Tam Chúc (Hà Nam)
Quần thể chùa Tam Chúc nằm ở thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những ngôi chùa lớn nhất thế giới ở Việt Nam. Không chỉ nổi tiếng với lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo, nơi đây còn được trời ban cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời, vừa hùng vĩ vừa thơ mộng khi được bao quanh bởi những khu rừng, dãy núi đá vôi và hồ nước bát ngát.
Chùa Tam Chúc (Hà Nam)
Chùa Tam Chúc cổ được xây dựng vào khoảng 1.000 năm trước, dưới thời nhà Đinh. Ngôi chùa gắn liền với truyền thuyết “Tiền lục nhạc, Hậu thất tình”. Chùa thờ Phật và những vị quốc sư có công phát triển Phật giáo Việt Nam, như: Sư Tổ Đạt ma, Thiền sư Khuông Việt, thiền sư Đỗ Pháp Thuận, thiền sư Nguyễn Minh Không, hòa thượng Thích Thanh Tứ.
Chùa Thiên Mụ (Huế)
Đây là ngôi chùa thiêng liêng bậc nhất xứ Huế, tọa lạc trên ngọn đồi Hạ Khuê thuộc địa phận làng An Ninh Thương, phường Kim Long, TP Huế. Ngôi chùa còn được người dân nơi đây gọi là chùa Linh Mụ. Ngôi chùa được xây dựng vào năm 1610, dưới thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Tính đến nay, chùa Thiên Mụ là ngôi chùa cổ nhất ở xứ Huế.
Chùa Thiên Mụ (Huế)
Chùa có hướng nhìn ra sông Hương, phong cảnh thơ mộng, hữu tình; lại gắn liền với những giá trị lịch sử và tâm linh nên nơi đây luôn là điểm dừng chân mà du khách thập phương không thể bỏ qua mỗi dịp thăm đất Huế.
Một biểu tượng gắn liền với chùa Thiên Mụ đó là tòa tháp 7 tầng, cao 21m được xây dựng phía trước chùa. Mỗi tầng tháp đều thờ tượng Phật. Bên trong tòa tháp thiết kế cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng.
Chùa Linh Ứng (Đà Nẵng)
Chùa Linh Ứng, Sơn Trà được xem là cõi Phật giữa chốn trần gian. Nhiều người gọi là Chùa Linh Ứng Bãi Bụt hoặc là Chùa Linh Ứng Sơn Trà vì tại Đà Nẵng có đến 3 Chùa Linh Ứng. Chùa nằm trên đỉnh núi thuộc Bãi Bụt, bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, hướng nhìn ra biển Đông.
Chùa ở độ cao 693 mét so với mực nước biển, với diện tích 20 héc ta, trên địa hình một bên núi, một bên biển. Chùa Linh Ứng là một quần thể nhiều hạng mục gồm chánh điện, nhà tổ, giảng đường, tăng đường và thư viện... Ngoài việc được biết đến như một ngôi chùa đẹp, lớn và… trẻ nhất trong 3 ngôi “Linh Ứng Tự” ở Đà Nẵng, Chùa Linh Ứng còn được biết đến bởi nơi có tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam.
Chùa Linh ứng (Đà Nẵng)
Đến với nơi đây, du khách thập phương còn có dịp tham quan bức tranh toàn cảnh của một đô thị đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Từ chùa phóng tầm mắt về phía biển sẽ thấy bao quanh bởi một màu xanh bát ngát biển trời, bờ cát dài trắng mịn chạy vòng cung theo con đường dưới chân núi lấp lánh dưới cái nắng dịu của vùng bán đảo.
Thiền Viện Trúc Lâm (Đà Lạt)
Thiền Viện Trúc Lâm là một thiền viện thuộc phái Trúc Lâm Yên Tử, nằm trên đỉnh núi Phụng Hoàng, có hướng nhìn thẳng ra hồ Tuyền Lâm thơ mộng và xanh biếc. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo mang đậm ý nghĩa "nhà Phật", được xây dựng trong những năm 1993 - 1994.
Thiền Viện Trúc Lâm (Đà Lạt)
Phong cảnh ở Thiền Viện Trúc Lâm rất đẹp, khung cảnh non nước hữu tình trong một không gian bình yên, thanh tịnh; lại mang đặc trưng của khí hậu Đà Lạt. Do đó, nơi đây luôn thu hút khách thập phương đến tham quan và chụp ảnh.
Chùa Bà (Tây Ninh)
Chùa Bà tọa lạc trên ngọn núi Bà Đen, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh - ngọn núi cao nhất khu vực phía Nam, với độ cao lên tới 986 m. Chùa Bà là một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở khu danh thắng núi Bà Đen cũng như là một trong những điểm viếng chùa nổi tiếng Việt Nam.
Chùa Bà (Tây Ninh)
Chùa được xây dựng vào thế kỷ XVIII và đã qua nhiều lần trùng tu. Hằng năm, khách thập phương hành hương núi Bà để đi chùa cầu nguyện rất đông; thông thường là vào dịp Tết nguyên đán kéo dài cả tháng Giêng và lễ vía Bà vào ngày 5 - 6 tháng năm âm lịch (khoảng tháng 6 dương lịch).
Khi đến đây, du khách có thể sử dụng hệ thống cáp treo (dài khoảng 1225 m) để đi từ chân núi lên chùa Linh Sơn Tiên Thạch. Với những ai ưa thách thức cũng có thể leo bộ lên chùa.