Trong số hơn 1.500 di tích hiện hữu trên vùng đất xứ Thanh, hệ thống các di tích liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu - thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu chiếm số lượng không nhỏ. Trong số đó, có không ít di tích “thờ Mẫu” nổi tiếng khắp vùng, là “Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh”; Đền Phố Cát nơi Mẫu Liễu Hạnh giáng trần; đền Ba Bông có cô Ba Bông vẫn thường giúp đỡ tàu thuyền đi lại trên sông... Mỗi di tích, mỗi điểm đến là những thần tích mê đắm lòng người.
Đền Phố Cát (Thạch Thành) gắn liền với điển tích Mẫu Liễu Hạnh giáng trần
Tín ngưỡng thờ Mẫu: dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu
Người Việt nói chung, người xứ Thanh nói riêng với sự đa dạng về tín ngưỡng - tôn giáo trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng thờ Mẫu (Tam Phủ, Tứ Phủ) chỉ là một trong rất nhiều những tín ngưỡng tâm linh đóng vai trò quan trọng. Vậy nhưng, ở góc độ văn hóa, các nhà nghiên cứu đã nhận ra: “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ là một dạng thức đặc biệt của tín ngưỡng thờ Mẫu thần và Nữ thần, mang đậm sắc thái riêng của cư dân Việt vùng châu thổ Bắc Bộ. Là kết quả của một quá trình dài lâu giao lưu, hỗn dung, tiếp biến văn hóa. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ dung hợp rất nhiều yếu tố của các tín ngưỡng, tôn giáo khác ở Việt Nam. Yếu tố dung hòa đồng tồn tại là một đặc điểm khá tiêu biểu trong tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt nói chung đã được thể hiện một cách đậm nét trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Điều này góp phần tạo sự khoan dung trong đời sống tinh thần của người dân, họ chấp nhận mọi thứ tín ngưỡng, tôn giáo, dù bản địa hay ngoại lai với tinh thần “đạo nào cũng tốt”, miễn là nó phù hợp với nền tảng đạo đức truyền thống tốt đẹp, đề cao đạo lý dân tộc, cách ứng xử nhân văn giữa con người với con người” - PGS.TS Từ Thị Loan, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam. Và có phải chính ở sự “dung hòa” mà tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng có sức sống mãnh liệt và lan tỏa rộng trong đời sống cộng đồng dân cư. Nó hiển hiện trên hệ thống đền, điện thờ Mẫu có ở khắp nơi. Giống như quan niệm khởi thủy vạn vật, con người đều từ “Mẹ” sinh ra.
Nếu tín đồ đạo Công giáo đến Nhà thờ để được “xưng tội”, Phật tử đến chùa để kiếm tìm và cầu bình an thì con người ta trở về với Mẫu (Mẹ) vì rất nhiều lý do. Đó có thể cầu xin thuận lợi hanh thông, giải ách trừ tai, che chở phù trợ... Dường như tất cả, đều có ở “Mẹ”. Và nếu, bạn vẫn chưa hiểu vì sao, người mộ đạo có thể “trèo đèo lội suối” vượt sông, qua thác, đi qua hàng trăm cây số chỉ để trở về những lễ hội của tín ngưỡng thờ Mẫu thì có lẽ, ít nhất ta phải một lần hòa mình vào không gian thiêng của tín ngưỡng, trong đó không thể bỏ qua nghi lễ Hầu đồng - Lên đồng vô cùng cuốn hút.
Lên đồng được xem là nghi lễ đặc trưng nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu.
GS.TS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam được xem là người dành trọn cuộc đời cho những nghiên cứu về văn hóa dân gian của người Việt nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng. Trong tác phẩm “Lên đồng, hành trình của thần linh và thân phận” ông khẳng định: “Có lẽ hiếm thấy một hình thức tôn giáo tín ngưỡng dân gian nào như Đạo mẫu, trong đó tiêu biểu là nghi lễ Lên đồng. Ở đó thể hiện khá tiêu tiểu quá trình nảy sinh và tích hợp các hiện tượng và giá trị văn hóa mang sắc thái dân tộc độc đáo, như nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật diễn xướng và tạo hình dân gian, các hình thức sinh hoạt cộng đồng”.
Theo đó, Lên đồng được xem là nghi lễ tiêu biểu và đặc trưng nhất của đạo Mẫu. Nó được xem là hình thức diễn xướng tổng hợp với nhiều yếu tố âm nhạc, hát, múa, động tác... và là “loại hình sân khấu tâm linh” bởi “môi trường, không gian, tình huống và diễn xướng mang đầy đủ những đặc trưng của sân khấu, chỉ khác sân khấu đời thường ở chỗ nó diễn ra trước điện thờ thần linh, bao trùm lên một không khí thiêng liêng”.
Trong không gian thiêng của di tích - đền thờ, tiếng đàn hát réo rắt của cung văn là hình ảnh những “thanh đồng” uyển chuyển “lạc vào chốn thiêng” theo từng giá hầu. Xung quanh là tiếng người vỗ tay, hưởng ứng... khi ấy, dường như không ai nhớ đến thanh đồng nữa, nếu có thì thanh đồng chỉ còn là người kết nối mọi người với đấng tối linh. Là Quan hoàng oai phong, cô Ba thoải chèo thuyền uyển chuyển, Mẫu thượng ngàn, cô Chín Giếng... mỗi vị thánh lại có nhiều điệu hát, phù hợp với nội dung, giai điệu, tiết tấu với cá tính phong cách, nơi cư trú, giới tính và tư duy được dân gian hình dung, với những sắc phục, biểu cảm thật khiến cho con người trong không gian ấy như quên đi tất cả muộn phiền.
Và cũng bởi quan niệm “Thánh rất nghiêm: Phật tha Thánh chấp” nên phải chăng, để tìm kiếm cho mình những “điểm tựa” tinh thần trong những khó khăn, trắc trở nên con người ta vẫn thường không quản vất vả để thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Người giàu, người nghèo, người có, người khó... mỗi người một kiểu, nhưng sự thành tâm nơi đền Mẫu - cửa Thánh vẫn luôn là điều mà con người khi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng, các tôn giáo nói chung phải nằm lòng.
Về xứ Thanh, đừng quên ghé thăm những “địa chỉ” thờ Mẫu
Là một trong “Tứ bất tử” thuộc văn hóa dân tộc, Mẫu Liễu Hạnh là “Đệ nhất Thánh Mẫu” trong tâm thức dân gian. Đương nhiên, trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, ngoài Mẫu Liễu Hạnh còn có Mẫu Thượng Ngàn; Mẫu Thoải... vậy nhưng, Mẫu Liễu Hạnh là vị nữ thần - Thánh Mẫu gắn liền với những truyền thuyết và sự ngưỡng vọng thật đặc biệt. Và trong tâm thức dân gian, Thánh Mẫu Liễu Hạnh cũng được xem là biểu tượng về người con gái tài sắc vẹn toàn, công, dung, ngôn, hạnh được ngưỡng vọng.
Từ tác phẩm “Vân Cát Thần Nữ” của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đến những tài liệu về sau phần đa đều đồng thuận, Thánh Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện thời Lê Trung Hưng. Vốn là Tiên chúa nhà trời, vì lỡ đánh rơi chén ngọc mà bị phạt xuống trần gian. Nhưng trần gian muôn nỗi, cuộc sống vui buồn, sướng khổ đủ vị lại khiến cho nàng tiên nhà trời nặng lòng chẳng thể dứt bỏ. Chính vì thế, sau ba lần giáng trần thỏa nguyện hóa sinh, ngao du sơn thủy thì cuối cùng Tiên chúa chọn Sòng Sơn (nay là đền Sòng) là nơi hiển thánh. Điều này còn được lưu truyền trong câu chuyện của ông già làng Cổ Đam mà mỗi người, khi trở về Sòng Sơn đều được nghe kể.
Vậy nhưng, cũng thật đặc biệt, nếu đền Sòng Sơn (TX Bỉm Sơn) là nơi Thánh Mẫu Liễu Hạnh hiển thánh thì đền Phố Cát (Thạch Thành) lại ghi nhận sự tích Mẫu giáng trần. Trong lần giáng trần xuống Phố Cát, Tiên chúa còn mang theo hai cô Quế Nương và Thị Nương. Thời Nguyễn rước Mẫu vào thờ trong Điện Ngọc và phong “Mẫu Nghi thiên hạ”. Nói như vậy để hiểu hơn vì sao, hình tượng Mẫu Liễu Hạnh trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt không chỉ linh thiêng, quyền thế mà còn vô cùng gần gũi trong tâm thức dân gian đến như vậy. Có dịp, ghé thăm đền Sòng - Phố Cát ở xứ Thanh, người mộ đạo không chỉ mãn nhãn với một vùng cảnh quan tươi đẹp mà còn cảm nhận đầy đủ hơn về ý nghĩa của di tích.
Hình ảnh sân khấu hóa tái hiện cảnh Mẫu Liễu Hạnh hiển thánh cứu giúp dân làng trong lễ hội Sòng Sơn - Ba Dội (TX Bỉm Sơn)
Nếu đền Sòng - Phố Cát nằm ở nơi “sơn kỳ” thì cụm di tích Hàn Sơn - Ba Bông lại nằm ở chốn “thủy tú” vô cùng. Nằm ở ngay ngã ba sông nước, nơi giao hòa giữa dòng sông Mã với sông Lèn, thắng tích Ba Bông - Hàn Sơn đắm lòng du khách không chỉ cảnh đẹp nao lòng. Ở đó, tự bao giờ, đã hiển hiện những di tích khiến cho kẻ viễn khách “quên cả lối về”. Là đền chầu Đệ Tứ (đền Trình),đền Đức Ông, đền cô Bơ (Ba Bông),đền Mẫu Thoải (Mẫu Hàn),đền cô Tám đồi chè, đền cô Đôi, cô Đón... Trong đó, đền Ba Bông nằm ngay bến sông từ xa xưa vẫn thường thu hút bao người qua lại. Nghệ nhân Nguyễn Văn Chung, Thủ nhang đồng đền di tích Ba Bông cho biết: Trong tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ có Thiên phủ (trời) - Địa phủ (đất) - Thủy phủ (nước) - Nhạc phủ (rừng núi),Mẫu Liễu Hạnh được xem là thần chủ trong hệ thống Tứ phủ. Mẫu Hàn Sơn (Đệ tam) và cô Ba Bông (hàng cô) là những vị thánh đại diện cho Thủy phủ. Trong thần tích, cô Ba Bông vì có công giúp vua nên khi thác, được vua ban dân lập đền thờ. Cô Ba Bông vẫn thường hiển linh phù trợ cho tàu thuyền qua lại trên sông được bình an, giúp đỡ nhân dân làm ăn phát đạt, chữa bệnh, giúp đời...
Bên cạnh đó, nói đến hệ thống các di tích thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở xứ Thanh, có thể nào không nhắc đến đền Cửa Đặt (Thường Xuân),đền Phủ Na (Như Thanh)... Mỗi di tích đều gắn với những vị thánh thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu. Con người, từ ngàn vạn năm qua, ngoài sự cố gắng, nỗ lực không ngừng trong cuộc sống, còn là niềm tin bất diệt gửi gắm đến đấng tối linh. Cũng chỉ bởi, vũ trụ bao la, con người dù vĩ đại với những thành tựu, nhưng suy cho cùng cũng thật nhỏ bé. Tìm cho mình những “điểm tựa” tâm linh, gửi gắm ước nguyện cũng là điều thật dễ hiểu. Và trở về với “Mẫu” - Mẹ phải chăng chính là sự trở về thuận tự nhiên.
Theo: svhttdl.thanhhoa.gov.vn