Đền Độc Cước được xây dựng vào thời nhà Trần và được trùng tu lại nhiều lần vào thời nhà Lê. Đền mang tên Độc Cước (Độc Cước nghĩa là một chân) gắn liền với sự tích chàng trai khổng lồ đã xé đôi thân mình để vừa đánh giặc quỷ biển ngoài khơi, vừa đánh giặc trong đất liền để cứu xóm làng.
Đền Độc Cước tại Sầm Sơn
Ngôi đền nằm trên đỉnh núi Cổ Giải thuộc dãy núi Trường Lệ. Đường lên đền nằm tại đầu bãi tắm A biển Sầm Sơn. Lễ hội truyền thống hàng năm của đền diễn ra vào ngày 16/2 âm lịch (Lễ hội Cầu Phúc) và ngày 12/5 âm lịch (Lễ hội Bánh Chưng - Bánh Giầy).
Sự tích về thần Độc Cước
Thần Độc Cước là một vị thần trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Câu chuyện về thần Độc Cước lâu nay vẫn được người dân lưu truyền với nhiều biến thể khác nhau. Tuy nhiên, tất cả các câu chuyện truyền miệng đấy đều nói về công lao to lớn của thần đối với người dân nơi đây.
Chuyện kể rằng, ngày xưa có một trận mưa lớn đã kéo một người phụ nữ đang mang thai ra biển. Khi mưa bão tan, nước rút sóng xác của người phụ nữ đấy bị đẩy vào bờ.
Nhưng thật lạ kỳ, từ xác người mẹ đã sinh ra một cậu bé khôi ngô tuấn tú. Ngạc nhiên hơn nữa là dù mới sinh ra nhưng cậu bé đã biết nói, biết chạy nhảy và lớn nhanh như thôi. Chẳng mấy chốc cậu đã trở thành một chàng trai có sắc vóc khổng lồ và thường theo người dân đi đánh cá.
Rồi một ngày nọ, ở vùng biển khơi này bỗng xuất hiện loài quỷ biển. Chúng ăn thịt dân chài, hãm hiếp phụ nữ, cướp bóc của cải và thật tai quái là chúng xuất quỷ nhập thần, lúc ngoài biển khơi, khi thì trong bờ khiến cho dân làng trở tay không kịp.
Lúc này, chàng trai Độc Cước đã xông pha giết quỷ, đánh cho chúng nhiều phen tan tác. Nhưng, khi cậu trong bờ chúng lại quấy nhiễu dân chài ngoài khơi, cậu ở đâu thì chúng lại tấn công nơi còn lại. Vì căm thù bọn quỷ biển, thương dân lành vô tội, Cậu đã cầu xin mẹ núi cho mình sức mạnh và sẻ đôi thân mình. Lạ thay, hai nửa thân hình của Cậu sau đó đều khỏe mạnh. Một nửa thân Cậu chấn ải biến đông còn một nửa trên bờ. Từ đấy, xóm làng và những người dân chài luôn được bình yên.
Cổng đền Độc Cước
Câu chuyện chàng trai sẻ đôi thân mình để bảo vệ dân làng được truyền đến tai Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng đã cho người xuống đưa chàng trai về trời và phong chàng là “thần Độc Cước”. Và để tưởng nhớ và cảm ơn công lao của chàng, người dân Sầm Sơn đã dựng đền thờ trên vách núi Cổ Giải - nơi nửa thân chàng đã đứng để bảo vệ xóm làng. Người ta đặt tên cho ngôi đền là đền Độc Cước.
Đền Độc Cước linh thiêng
Ngôi đền được lập từ đời Trần, sau dựng lại vào thời Lê. Trong đền có tượng thần Độc Cước bằng gỗ chỉ có một tay, một chân. Chân tượng dụng vững chắc trên hòn đá tảng, tay tượng có cây búa ở tư thế đang vung về phía sau chiến đấu với loài quỷ biển.
Đền ngự trên hòn Cổ Giải, là phần đầu của dãy Trường Lệ hướng ra biển. Đây là nơi hội tụ linh khí trời đất, rừng xanh nước thẳm, đá chồng đá tạo nên từng lớp trùng điệp nguy nga.
Thần Độc Cước là một vị thánh được xem là “Chu Minh thánh vị” tài giỏi và dũng cảm hơn người. Trong phong sắc Cảnh Hưng thứ 44 có ghi “Vị thánh linh thiêng vào bậc nhất trong hàng thánh mà không vị nào bằng. Ngài đem sự tài giỏi linh thiêng ấy để giữ gìn bờ cõi cho đất nước, bảo vệ dân lành và muôn vật. Đối với kẻ ác trừng trị thẳng tay, thật là một vị thánh đầy đủ nhân hậu”.
Tương truyền, vua Trần Thánh Tông cùng các tướng lĩnh trong một lần đi chống giặc ngoại xâm khi đi đến vùng biển này thì trời đã quá khuya. Nhà Vua cho thuyền neo đậu, nghỉ đêm tại đây. Đêm hôm đó, nhà Vua nằm mộng thấy có một vị thần bán thân cầm cây búa uy nghi vững trãi. Vị thần nói với nhà Vua: “Ta là thần Độc Cước cai quản vùng biển này, nay biết Vua tôi trên đường đi giết giặc ta muốn giúp một tay”. Vua Trần giật mình tỉnh giấc, nhìn ra bốn bề chỉ thấy một ngôi miếu nhỏ nằm chênh vênh trên đầu ngọn núi. Nhà Vua thầm hứa: “Nếu mai này thắng giặc trở về, ta nhất định sẽ xây dựng lại ngôi đền”. Quả nhiên, năm ấy Nhà Trần đã đánh bại quân Nguyên Mông. Giữ lời hứa và cũng là lời cảm tạ nhà Vua ban sắc phong cho thần, đồng thời cho xây dựng lại ngôi Đền.
Bên trong đền Độc Cước
Đền Độc Cước nổi tiếng là linh thiêng, người ta đồn rằng nếu ai đến Đền xin lộc sẽ luôn được may mắn. Do vậy, hàng năm vào mỗi dịp lễ hội, ngày lễ hoặc những ngày đầu xuân người dân địa phương và du khách thập phương thường ghé về đền Độc Cước để xin lộc, xin bình an và sức khỏe.