Lễ hội Vật chùa Ón bao gồm nhiều nghi lễ truyền thống độc đáo, như: Lễ dâng hương, hoa, lễ vật; nghi thức thỉnh chuông đình Mông Phụ,… Đặc biệt là Hội thi đấu vật truyền thống kéo dài từ chiều đến xẩm tối thu hút đông đảo người tham gia đấu vật, trong đó chủ yếu là các trai làng và các vùng lân cận có sức khỏe cường tráng.
Đấu vật tại lễ hội chùa Ón
Trong khuôn khổ lễ hội, còn có nhiều hoạt động hấp dẫn như: Hội thi thả diều sào, thực hành nghệ thuật thư pháp và tục xin chữ đầu xuân,… nhiều trò chơi dân gian được tái diễn như: ô ăn quan, đánh chắt,… Không chỉ vậy, đến với lễ hội du khách còn có cơ hội trải nghiệm cách làm diều sáo, bánh trôi - bánh chay và tham quan không gian chợ quê, thưởng thức ẩm thực dân gian làng cổ,… rất thú vị và bổ ích.
Nhiều thanh niên hào hứng tham gia hội đấu vật
Trẻ em được làm quen với các trò chơi dân gian
Dạy làm diều sáo ở lễ hội chùa Ón
Nghệ thuật thư pháp luôn thu hút sự quan tâm của công chúng
Chùa Ón - Ôn Hòa Tự là một trong những di tích độc đáo của xứ Đoài, nơi đây gắn với nhiều giai thoại, huyền tích hấp dẫn. Dù các tài liệu ghi chép về chùa đã bị thất lạc nhưng theo phỏng đoán của các vị già làng, chùa Ón có thể được xây dựng vào năm Bính Dần (966),tính đến nay đã là 1.053 năm.
Điểm đặc biệt của chùa Ón là trong chùa không có tượng Phật, cũng không có sư sãi trông coi. Và các hoạt động cúng tế hàng năm cũng chỉ diễn ra trong 2 ngày là mùng 3/3 và mùng 1/4 (âm lịch). Còn các ngày lễ tết cổ truyền, ngày rằm hoặc mùng một hiếm khi có hoạt động dâng hương, tế lễ tại đây.
Theo dân gian, chùa do một vị tướng người Trung Hoa dựng lên để trấn yểm long mạch cho làng Mông Phụ. Ngoài công việc khai khẩn, trồng cấy thì những lúc rảnh rỗi ông thường dạy dân làng võ nghệ. Vậy nên, hội vật chùa Ón có đặc trưng riêng, khác hẳn với hội vật ở những tỉnh thành, làng quê khác. Hội vật nơi đây được tổ chức như một hình thức giải trí, nhằm nêu cao tinh thần thượng võ. Lễ hội Vật tạo thêm điểm hấp dẫn cho hành trình du lịch si sản trong không gian làng cổ.