Đây là ngôi đền linh thiêng, nơi tôn thờ Phụ quốc Vinh Lộc đại phu Lê Phúc Đồng, người được nhân dân tôn làm Thành hoàng làng.
Đền Thiều là một công trình kiến trúc có niên đại từ thời Nguyễn
Theo dân gian, Lê Phúc Đồng là người tài đức vẹn toàn. Người có công phò tá Vua Lê đi đánh giặc ở phương Bắc với chiến thắng oanh liệt đầu tiên vào ngày 26 tháng Chạp. Khi thắng trận trở về làng, người dân Thiều Xá vui mừng ca hát, ông lại cho mở chợ Thiều, mỗi năm họp một phiên duy nhất vào ngày 26 tháng Chạp để ghi nhớ chiến công đầu tiên.
Lúc bấy giờ giặc Minh mang quân xâm lược nước ta, tuân lệnh vua ông đi trấn ải ở vùng biên cương. Suốt nhiều năm trời chiến tranh, ông không về quê ăn tết. Có một lần, vào cuối tháng Giêng ông trở lại quê hương, vì vậy ông tổ chức cho dân làng ăn tết lại vào ngày mùng 1 tháng 2. Cho dân làng làm bánh chưng, bánh dày tại Đình Chung để tế trời đất, cầu mong sự yên bình cho dân làng và cho đất nước.
Sau khi ăn tết xong, ông cùng thuộc hạ lại lên đường đánh giặc. Trong trận thủy chiến trên sông Mã, do nước chảy xiết, thuyền của ông bị lật và ông đã mất vào ngày mùng 9 tháng 4 (âm lịch). Dân làng dâng biểu tâu lên, vua Lê cho kéo gỗ và lập đền thờ, cấp ruộng, phong hiệu là Vinh Lộc đại phu Đỗ tướng công.
Đền Thiều vẫn giữ được nguyên vẹn nét kiến trúc
Nhân dân làng Thiều Xá nhớ ơn ân đức của ông. Hàng năm, cứ đến ngày 9/4 cả làng đều làm cỗ để giỗ ông; ngày lễ, tết đều hương khói cầu nguyện.
Trãi qua thời gian, cùng các biến cố lớn trong lịch sử nhưng đền Thiều vẫn giữ được nguyên vẹn nét kiến trúc. Trong đền hiện còn lưu giữ được một số cổ vật, trở thành một trung tâm tín ngưỡng của người dân; nơi giáo dục truyền thống lịch sử và văn hóa cho các lớp thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ ở địa phương.
Tham khảo: BTH.