Kinh nghiệm đi lễ hội Bà Chúa Kho: Thời gian, lưu ý, sắm lễ A-Z

Đăng ngày: 09/02/2022 , 15:42 GMT+7
Đền Bà Chúa Kho được biết đến là nơi cầu an, cầu lộc nổi tiếng. Do đó, ngay từ những ngày đầu năm mới du khách thập phương, nhất là những người làm kinh doanh đã đổ về đây để “vay vốn” Bà Chúa Kho với mong muốn có được một năm làm ăn suôn sẻ, phát đạt.

Lễ hội Bà Chúa Kho - Bắc Ninh từ lâu đã trở thành nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người dân Việt Nam. Nếu muốn đi đền đầu năm để cầu an, cầu lộc thì bạn hãy bỏ túi những kinh nghiệm sau để chuyến đi của bạn được an toàn, không lo bị chặt chém.

Đền Bà Chúa Kho - Bắc Ninh

Thời gian diễn ra Lễ hội Bà Chúa Kho là khi nào?

Thời điểm diễn ra Chính hội Đền Bà Chúa Kho là ngày 14/01 (âm lịch) hằng năm.

Do vậy, bạn nên về đây trước ngày 14 tháng Giêng để kịp sắm lễ và tham gia lễ hội. Tuy nhiên, nếu bạn lo ngại cảnh đông người thì có thể về Đền sớm hơn hoặc muộn hơn ngày lễ chính để trải nghiệm không khí cũng như tham gia các hoạt động của lễ hội bởi hội thường kéo dài từ những ngày đầu năm mới cho tới gần hết xuân.

Hướng dẫn đường đi, phương tiện tới Đền Bà Chúa Kho, Bắc Ninh

Đền Bà Chúa Kho nằm ở lưng chừng ngọn núi Kho thuộc khu Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Cách Hà Nội 45km về hướng Đông Bắc.

Du khách thập phương đổ về đây để “vay vốn” Bà Chúa Kho

Có 3 phương tiện chính đi lễ Đền Bà Chúa Kho như:

+ Phương tiện công cộng: Nếu xuất phát từ Hà Nội, bạn có thể lựa chọn xe bus 10A (đi từ Bến xe Long Biên - Bến xe Từ Sơn và ngược lại) hoặc xe bus 54 (với lịch trình từ Bến xe Long Biên - Bến xe TP Bắc Ninh và ngược lại).

+ Phương tiện cá nhân: Để thuận tiện và phù hợp với quỹ thời gian và vị trí của mình, bạn có thể lựa chọn đi bằng phương tiện cá nhân (xe máy, ôtô,… ) và tìm hiểu lộ trình đường đi thông qua ứng dụng Google map.

+ Thuê xe đi lễ đền: Để chủ động và đảm bảo an toàn, bạn có thể cân nhắc tới phương án này.

Cách sắm lễ khi làm lễ ở Đền Bà Chúa Kho

Trong dịp lễ hội, có rất nhiều cửa hàng mở bán đồ cúng xung quanh đền, du khách sắm lễ tùy tâm để thể hiện lòng thành. Tuy nhiên, để giúp bạn chuẩn bị đồ lễ phù hợp và đầy đủ nhất, chúng tôi đã tổng hợp những đồ cần thiết theo từng lễ như sau:

Lễ chay: Gồm hương, hoa, trà, bánh, oản,... được dùng để lễ ban Phật, Bồ Tát. Lễ chay được dùng để cúng bái ban Thánh Mẫu.

Lễ mặn: Gồm những món ăn quen thuộc như gà luộc, xôi, chè và những món ăn kèm theo. Nếu gia chủ ăn chay không ăn mặn thì có thể dùng các nguyên liệu chay để làm các món ăn có có hình dạng giống với gà, lợn, cá, chả,... để cúng bái. Chủ được đặt lễ mặn ở một nơi duy nhất là ban Công Đồng Tứ Phủ.

Lễ đồ sống: Gồm trứng, gạo, muối, thịt. Không được đặt những vật lễ này tại ban quan Ngũ Hổ, Bạch xà, Thanh xà đặt ở hạ ban Công Đồng Tứ phủ.

Cổ sơn trang: Gồm các đặc sản chay ở VIệt Nam không bao gồm quả chanh, ớt, cua, ốc,... Gạo nếp cẩm nấu xôi chè cũng được xếp vào Cỗ sơn trang. Nên đặt những vật phẩm màu xanh lá.

Lễ ban thờ cô, thờ cậu: Gồm oản, hương hoa, quần áo, trang sức cho cô hay những món đồ chơi dành cho cậu. Những món đồ trẻ con thích chơi lại càng tốt.

Lễ Thành Hoàng, Thư Điền: Mọi thứ lễ vật đều phải là đồ chay trừ chanh, ớt,...

Trình tự đặt lễ ở Đền Bà Chúa Kho

Đền Bà Chúa Kho có tất cả 8 ban thờ, trong đó có 4 ban thờ chính là Tiền Tế, Tứ Phủ Công Đồng, Đệ Nhị Cung, Đệ Nhất Cung (Tam tòa Thánh Mẫu). Và 4 ban còn lại là Bát bộ sơn trang, Ban cô, Ban cậu, Đế Cảnh.

Lễ dâng Đền Bà Chúa Kho

Trình tự dâng lễ là đi từ ngoài vào trong, dâng 4 ban chính rồi đến các ban còn lại.

Đôi điều cần lưu ý khi đi Đền Bà Chúa Kho

Khi tới tham gia lễ hội Đền Bà Chúa Kho, bạn cần lưu ý:

Về trang phục: Nên ăn mặc lịch sự, giản dị; phụ nữ hạn chế đi giày cao gót vì việc di chuyển nhiều bằng cách đi bộ có thể khiến bạn mỏi hoặc đau chân.

Về tài sản cá nhân: Không mang theo nhiều tiền mặt hoặc đeo các đồ trang sức đắt tiền, đề phòng trộm cướp ở chốn đông người.

Chuẩn bị lễ vật: Nếu điều kiện thuận lợi, bạn nên chủ động và sắm sửa trước từ nhà để tránh bị chặt chém về giá cả.

Khi cầu nguyện và thực hiện nghi lễ “vay vốn”: Không đặt tiền lên các ban thờ và hương án ở chính điện, bạn nên bỏ vào hòm công đức.

Trên đây là kinh nghiệm đi lễ hội Bà Chúa Kho Bắc Ninh an toàn và thuận lợi nhất, hy vọng sẽ giúp chuyến đi của bạn được an lành và ý nghĩa nhất. Đừng quên truy cập vanhoaxahoi.vn để tìm hiểu thêm những thông tin hữu ích về các lễ hội và phong tục thú vị ở Việt Nam.

Đăng ngày: 09/02/2022 , 15:42 GMT+7

Tin liên quan