Mở cửa di tích: Đặt an toàn phòng, chống COVID-19 lên hàng đầu

Đăng ngày: 23/02/2022 , 15:34 GMT+7

Để bảo đảm phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các điểm di tích, đền chùa sau khi được phép mở cửa hoạt động trở lại, BQL các đơn vị, địa phương đã tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp và xây dựng kế hoạch, kịch bản trong mọi tình huống.

Du khách tới làng cổ Đường Lâm thực hiện sát khuẩn theo quy định

Sau thời gian dài tạm đóng cửa để phòng dịch COVID-19, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa cho phép các di tích trên địa bàn Hà Nội được chính thức mở cửa đón khách từ ngày 14/2. 

Ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng Ban Quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm cho biết để mở cửa lại di tích từ ngày 6/2, các điểm di tích, điểm bán vé thăm quan được phun khử khuẩn, có đủ khẩu trang, điểm quét mã QR Code, máy đo thân nhiệt, bảo đảm giãn cách... Cán bộ, công nhân viên đều phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine, tham gia tập huấn các quy định về phòng chống dịch. 

Một trong những di tích thu hút đông người dân đến tham quan dịp đầu năm là chùa Hương cũng bắt đầu mở cửa từ ngày 16/2. Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban Quan lý Khu di tích Hương Sơn cho biết sau khi thực hiện thí điểm (từ ngày 11/2), UBND huyện Mỹ Đức đã tổ chức thành lập 8 tổ y tế cắm chốt để phòng chống dịch, trong đó có 2 tổ cơ động xử lý ngay  khi có thông tin ca nghi nhiễm COVID-19.

Tổ Y tế trực tại các điểm kiểm soát vé yêu cầu du khách khi đến phải quét mã QR, sát khuẩn tay, thường xuyên đeo khẩu trang...

Du khách được đo than nhiệt khi đến Chùa Hương

Với các di tích trong nội thành, từ 8h sáng 15/2, nhiều di tích như: Văn Miếu-Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Hoàng Thành Thăng Long và di tích Nhà tù Hoả Lò bắt đầu mở trở lại.

Tại tất cả các điểm di tích yêu cầu du khách quét mã QR và khai báo y tế theo quy định. Tại phòng bán vé Văn Miếu- Quốc Tử Giám, khách phải khai báo y tế trước khi vào mua vé, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn. 

Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ thông báo cấp độ dịch của Thành phố để chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn, các Ban quản lý di tích chủ động thực hiện công tác quản lý, đón tiếp khách tham quan tại các điểm di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn phù hợp theo từng cấp độ, bảo đảm an toàn, linh hoạt, hiệu quả.

Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các điểm di tích lịch sử, văn hóa xây dựng phương án, kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và các điều kiện phòng, chống dịch.

Tất cả các điểm di tích đều phải có mã QR Code để quản lý người ra, vào và khai báo y tế theo quy định; bố trí lực lượng hướng dẫn, phân luồng không để tập trung đông người gây ùn ứ, ách tắc. Khuyến khích người tham gia các hoạt động tại di tích đã tiêm đủ 2 liều vaccine trở lên hoặc có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ. Thường xuyên khử khuẩn, bố trí dung dịch rửa tay trước và sau khi ra vào khu di tích lịch sử, văn hóa.

Theo: Cổng Thông tin Chính Phủ.

Đăng ngày: 23/02/2022 , 15:34 GMT+7

Tin liên quan