Đình Chèm, một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam thờ Đức Ông Lý Ông Trọng (hay còn gọi là Đức Thánh Chèm),một nhân vật có trong truyền thuyết dân gian Việt Nam, người to lớn có sức khỏe phi thường. Ông là người đã có công lớn với hai triều đại Hùng Duệ Vương và An Dương Vương, và trở thành nhà ngoại giao đầu tiên của dân tộc, khi được cử đi sứ sang nước Tần và giúp vua Tần dẹp yên sự quấy nhiễu của quân Hung Nô.
Hội chèm được tổ chức từ 14 - 16/5 (âm lịch) hàng năm
Theo sử sách để lại, lễ hội đình Chèm được tổ chức để kỷ niệm ngày thắng trận khải hoàn mở hội mừng công và làm lễ cầu siêu cho các tướng sĩ của Đức Thánh Lý Ông Trọng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc. Nhưng sâu xa hơn là nghi lễ cầu mưa thuận gió hòa, cho mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp đồng bằng sông Hồng.
Hội Chèm gồm các hoạt động: Lễ mộc dục, rước nước, nước văn, rước kiệu, lễ tế, dâng hương, biểu diễn hát quan họ, chèo, hội thi bơi, hội vật, chọi gà, bắt vịt nước, thả chim bồ câu...
Lễ rước nước (Nghê Thủy)
Đáng xem nhất trong lễ hội chính là lễ rước nước (Nghênh Thủy) tổ chức vào sáng ngày 15/5 âm lịch. Đây là dấu vết tín ngưỡng thờ cúng của nông dân Bắc Bộ thời Cô vốn lấy nước làm nguồn sống chủ yếu. Nước được lấy từ giữa dòng sông Hồng để làm lễ tắm tượng. Đoàn rước nước bao gồm những trai làng áo quần nai nịt gọn ghẽ rước 3 cỗ kiệu bên trên đặt 3 cái chóe lớn, 3 cái gáo đồng đi ngược lên đến 3km rồi xuống bến. Theo lệ cũ ba con thuyền rồng của ba làng sẽ bơi ra giữa sông Hồng để múc nước trong đỗ vào chóe rồi quay thuyền ba vòng trước khi trở về bờ. Sau đó dân làng rước nước vào đình. Những chóe nước được đưa vào Hậu cung để lau rửa các pho tượng.
Đoàn rước nước bao gồm những trai làng áo quần nai nịt gọn ghẽ rước 3 cỗ kiệu bên trên đặt 3 cái chóe lớn, 3 cái gáo đồng đi ngược lên đến 3km rồi xuống bến
Sau khi tổ chức xong những nghi lễ chính vào ngày 15 âm lịch, những trò vui dân gian mới được bắt đầu vào ngày 16 âm lịch như bắt vịt, thả diều, bơi chải… Hấp dẫn nhất trong hội Chèm là hội thi thả chim bồ câu và chèo thuyền, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và thấp khách phương xa làm cho không khí lễ hội thêm phần sôi nổi và náo nhiệt.