Thần tích Chầu Tám Bát Nàn
Hào Phú xã Phượng Lâu là ông Vũ Công Chất quản cai 12 xã, lấy vợ là Bà Hoàng Thị Mầu cùng làng, thương yêu và sống hòa thuận.
Một lần đi lên đỉnh núi hái thuốc, ông thấy miếu cổ đã cũ, hỏi thăm sự tình mới biết đó là miếu thờ Sơn Tinh Công Chúa, húy là Ngọc Hoa, con Vua Hùng.
Ông đến gặp trưởng làng, nhân dân trong vùng vận động mọi người tu tạo và tạc tượng Sơn Tinh Công Chúa để thờ. Ông đem thuốc về cho dân làng và kể cho vợ nghe việc mình tu tạo miếu.
Tối nằm ngủ, Bà Hoàng Thị Mầu trong chiêm bao có tiếng người con gái nói muốn đến làm con tạ ơn đã trùng tu miếu.
Lúc đấy, xuất hiện bóng người con gái mặc y áo cánh sen vào lòng Bà rồi biến mất.
Ngày 15 tháng 8 (ÂL) sinh ra một bé gái trắng trẻo, xinh đẹp đặt tên là Vũ Thị Thục.
Thục nương lớn lên xinh đẹp, thông minh nhanh nhẹn hơn người. Bắn cung múa kiếm cực giỏi, học đâu nhớ đấy. Nàng kết duyên cùng với Phạm Danh Hương con của hào mục cai quản 13 trang ở Nam Chân bên kia sông Lô, quê ở Liệt Trang.
Thái thú Giao Châu Tô Định hám sắc muốn kết duyên với Thục Nương, nhưng nàng không chịu. Hắn đem quân giết cha và chồng nàng.
Thù nhà nợ nước, thù cha thù chồng phải trả, Thục nương tập hợp quân tất cả các xã, rèn luyện binh võ phất cờ khởi nghĩa ở Tiên La.
Năm 40, khi dấy binh ở Tiên La thì được Hai Bà Trưng hiệu triệu, Thục nương còn băn khoăn vì binh đã mạnh, đánh đuổi giặc Hán bao lần chạy, chưa biết có nên hợp lực không.
Vào đêm đó, nằm mơ thấy Tiên Nữ vâng lệnh Vua Cha Ngọc Hoàng xuống trao cho Bà lá cờ xanh (cờ thần) và khuyên Bà nên theo Hai Bà Trưng phất cờ dẹp giặc.
Thục nương đã làm theo ý trời, tiến về Mê Linh Tụ Nghĩa cùng với Hai Bà Trưng.
Lễ tế cờ ở Hát Môn, Nghĩa binh của Thục nương gươm đao lên đường dẹp giặc, đi đến đâu, công trạng và nghĩa binh Tiên La vang dội đến đó.
Đánh đuổi xong giặc Tô Định, đất nước được thái bình. Trưng Trắc lên ngôi vua, Thục nương được phong: "Đông Nhung Bát Nàn Đại Tướng Quân".
Thục nương đã có công giúp dân thoát khỏi tám nạn của giặc nên có danh là "Bát Nàn Đại Tướng Quân" đọc chệch "Bát Nạn".
Nàng tâu trình Trưng vương cho về quê thăm mẹ, tế cha, tế chồng và xây dựng lại thôn quê. Cảm kích tấm lòng thành, Trưng vương chuẩn tấu cho Bà về quê cùng vàng bạc,...
Trở lại quê hương, cùng các bô lão bàn việc ra sức cải thiện Phượng Lâu, Thục Nương còn làm miếu cho chồng và cha, thiết lập cơ sở trong làng đầy đủ.
Về Tiên La, Thục nương ra sức cùng dân làng mở mang làng chợ, trồng trọt, chăn nuôi, chấn chỉnh lại binh ngũ, thôn quê trở nên yên bình. Bà quay về kinh đô bái yết Trưng Vương.
Trưng Vương giao cho Thục nương cùng với nữ tướng Lê Chân trấn giữ miền duyên hải, kéo dài từ Hải Phòng đến Thái Bình.
Năm 43, giặc Hán do Mã Viện kéo qua xâm chiếm nước ta với, Thục nương cùng với Hai Bà Trưng một lần nữa đứng lên đánh giặc. Trước sức mạnh của địch, quân binh phe ta yếu thế yếu, Bà dẫn quân lui về Tiên La.
Trận đánh ở Cẩm Khê, Hai Bà Trưng đã trầm mình tử tiết, Mã viện tiếp tục đem quân truy đuổi các binh tướng của Trưng Vương. Nghĩa Binh của Trưng Vương đánh giặc được 2 tháng cùng với thành lũy Tiên La vững chắc.
Một hôm, Thục nương đi tuần trở về thấy Tiên La thất thủ, rút gươm tuẫn tiết.
Ngày 17 tháng 3 (ÂL) là ngày Chầu hóa cũng là ngày tiệc.
Đền thờ Chầu Tám Bát Nàn
Hiện nay, Chầu Tám Bát Nàn được thờ chính tại 2 nơi, là đền Tiên La (Thái Bình) và đền Tân La (Hưng Yên)
Đền Tiên La (Thái Bình)
Đền Tiên La tọa lạc tại thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, có diện tích khoảng 4000 m². Mặt trước đền hướng ra phía con sông Tiên Hưng.
Đền Tiên La
Lễ hội chính của đền Tiên La được diễn ra từ ngày 15 - 17/3 âm lịch, để tưởng nhớ công ơn của Chầu Tám Bát Nàn Đại Tướng Quân. Tuy nhiên, do lượng du khách thập phương về dự hội khá đông nên để đáp ứng và phục vụ du khách, ban tổ chức lễ hội đã mở hội từ ngày 10 - 20/3 âm lịch.
Đền Tân La (Hưng Yên)
Đền Tân La nằm trên địa phận thôn Đoàn Thượng, xã Bảo Khê, thị xã Hưng Yên. Đền tạo lạc trên khu đất rộng, xung quanh là những tán cây cổ thụ xum xuê.
Đền Tân La
Xưa kia, lễ hội Đền Tân La thường kéo dài từ đầu tháng đến cuối tháng 3 âm lịch. Trong lễ hội có tổ chức rước nước từ sông Hồng về đền, ngoài ra còn có các trò chơi dân gian như: Cờ tướng, kéo co, chọi gà, biểu diễn văn nghệ... thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Ngày nay, lễ hội được tổ chức vào các ngày 15, 16, 17 tháng 3 âm lịch, nhưng vẫn bảo đảm nội dung và quy trình của lễ hội cổ truyền.
Hầu giá Chầu Tám Bát Nàn
Chầu Tám là vị thánh chầu thường hay giá ngự về đồng, nhất là trong những dịp tiệc vui hoặc khi về đền chầu.
Chầu Tám Bát Nàn Ngự đồng y áo màu vàng, khăn xếp màu vàng, quần màu đen thắt lưng màu tùy ý phù hợp với y áo. Chầu về đồng lễ Mẫu dâng nhang, đi quyền múa kiếm và cờ lệnh, làm việc quan, phán truyền, ban tài tiếp lộc.
Bản văn Chầu Tám Bát Nàn
Phúc lành có được duyên nay
Về đây mới biết chuyện ngày xa xưa
Có tâm Phật Mẫu dẫn đưa
Con về Chầu Bát quỳ thưa lễ người.
Đủ đầy trái ngọt, hoa tươi
Lòng con thành kính xin người chứng tâm
Gió đưa thoảng mát hương trầm
Đền Chầu tĩnh tọa sơn lâm ngút ngàn.
Sắc phong “Đại tướng Bát Nàn”
Danh tên nữ tướng, Vương ban lưu truyền.
Rằng xưa thời trước công nguyên
Chầu là tiên nữ trên thiên giáng trần
Mười lăm tháng tám giờ dần
Làm con họ vũ, tảo tần nết na
Lớn lên xinh đẹp tài hoa
Đoan trang dáng ngọc sương sa cửu tuyền.
Trời se số phận tơ duyên
Lấy người họ Phạm Danh Hương cũng là
Tình nồng đang thắm mặn mà
Ngờ đâu tan vỡ lệ nhòa trời xanh
Oan tình sao phận mỏng manh
Phải đâu nhan sắc mà thành chia ly.
Nguyên do Tô Định mê si
Yêu nàng không được mới thì ra tay
Hại đi hai mệnh thân này
Chồng, cha nghĩa nặng ơn dày đã xa
Oan này nợ nước thù nhà
Chuyên binh luyện sĩ để mà cứu dân
Ngày đêm luyện tập chuyên cần
Đợi ngày tụ nghĩa xa gần xem sao
Trưng Vương khởi nghĩa cờ đào
Chầu theo phụng sự cùng vào quân binh
“Lê Chân” thống lĩnh đội hình
Dẹp tan Tô Định quân binh tụ về
Chầu đi tu ở chùa quê
Tiên La-niệm Phật say mê tháng ngày
Cầu Trời đất nước đổi thay
Dân không cực khổ tâm này mới yên
Dã tâm giặc chẳng từ hiền
Khởi binh xâm lược cậy quyền mạnh đông
Vận nhà đất nước chờ trông
Ai người ra giúp để trông cậy nhờ
Hai bà Trưng đã dựng cờ
Nữ nhi Chầu cũng chẳng mờ lòng trung
Quyết đem tài trí anh hùng
Đánh quân Mã Viện, kiên trung ngoan cường
Máu đào áo đỏ thê lương
Thế quân giặc mạnh khó lường ai hay
Thôi thì đâu tiếc thân này
Bao năm trần giới một ngày về thiên
Chầu hóa về khắp mọi miền
Dân ơn dựng lập đền thiêng phụng thờ
Phượng Lâu – Vĩnh Phú là quê
Hưng Yên – Dốc Lã dựng cờ đóng quân
Thái Bình – Tiên La cũng gần
Hải Phòng Đền vọng di thân dạt về
Đền thờ Chầu khắp miền quê
Linh thiêng tố hảo Chầu về hiển linh
Vân khăn đai thắt quanh mình
Kiếm vàng cờ lệnh quân binh rõ ràng
Phất cờ quân xếp đôi hàng
Lệnh truyền kiếm chỉ, trông càng uy linh
mấy ai rõ được sự tình
Tháng ba mười bẩy hóa sinh cõi trời.
Địa danh Đồng Mỏ chính nơi
Lưu truyền sự tích cho đời mai sau.
Về Chầu đường chẳng xa đâu
Ngã ba thị trân đường tàu ngang qua,
Đồi cao trên đỉnh cung tòa
Uy linh tố hảo thật là trang nghiêm,
Long xà hổ phục đôi bên
Nhất tâm nhất đạo tìm lên mà về.
Đền Chầu cảnh đẹp say mê
Ai lên tìm đến ra về chẳng quên
Muốn cho tốt đẹp dài bền
Về Chầu mà nguyện sớ tên mà trình
Chầu về hiện giáng uy linh
Độ ban taì lộc đời mình đẹp tươi
Ước mong tâm nguyện tròn mười
Vinh sang cuộc sống đẹp tươi cho mình
Phải đâu duyên phận hữu tình
Về Chầu được phúc cho mình sáng ra
Quanh năm tần tảo ở nhà
Không bằng một buổi đi xa về Chầu
Đức tin mãi nguyện một câu
A-Di-Đà-Phật in sâu tâm mình