Về Yên Bái: Chiêm bái Đền Mẫu Đông Cuông

Đăng ngày: 05/03/2022 , 12:03 GMT+7

Hàng năm, bắt đầu từ tháng Giêng, người dân khắp nơi lại nô nức về đền Đông Cuông để lễ Mẫu, cầu mong Mẫu phù hộ, ban tài phát lộc để cuộc sống được ấm no, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu,… Đền Đông Cuông thuộc xã Đông Cuông, huyện Văn Yên (Yên Bái) là di tích lịch sử văn hóa thờ Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn.

Mẫu Thượng Ngàn là một trong 3 vị Tam Tòa Thánh Mẫu trong hệ thống Tứ Phủ Đạo Mẫu ở Việt Nam. Việc thờ phụng Mẫu thượng Ngàn là một đặc điểm của tín ngưỡng gắn liền với núi rừng của người Việt. Hình tượng Mẫu cai quản quản 81 cửa rừng cùng các miền núi non, hang động,… có sự pha trộn, chồng lớp của nhiều truyền thuyết ở các thời đại khác nhau. Nhưng, nhìn chung đó đều là những câu chuyện quý giá thể hiện lòng khâm phục, ngưỡng mộ và tôn thờ công lao của Mẫu.

Đền Đông Cuông là nơi thờ chính Mẫu Thượng Ngàn

Đền Đông Cuông là một ngôi đền cổ linh thiêng, là nơi thờ chính Mẫu Thượng Ngàn. Theo truyền tụng, trước kia đây vốn là một ngôi miếu nhỏ thờ thần núi, thần rừng. Ngôi miếu này trở thành đình vào thời Lê và đến triều Nguyễn thì đổi thành đền.

Đền Đông Cuông là một di tích lịch sử cấp quốc gia, đền còn có tên gọi khác là đền Đông Quang, đền Thần Vệ Quốc. Đền Đông Cuông là cụm di tích gồm 4 điểm: ngoài đền chính còn có Miếu Cô, Miếu Cậu và Miếu Đức Ông. Trong đền thờ Mẫu Thượng Ngàn và các vị thần Vệ quốc như: Hà Đặc, Hà Chương, Hà Bổng,… đây là các vị thần người bản địa đã có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Mông - Nguyên xâm lược.

Khuôn viên đền Đông Cuông

Đền và khu vực đền có liên quan đến đền Ngọc Tháp và đền Hùng (Phú Thọ). Trong đền chính có cung cấm thờ 2 ngôi tượng. Sau cung mẫu có cung chúa, bên phải là cung Sơn Trang, bên trái thờ Trần Triều. Cấu trúc nhà đền còn có miếu thần linh và động sơn trang. Ngôi đền này từ xa xưa vẫn luôn giữ được bản sắc dân tộc và nét văn hóa của người Tày Khao Đông Cuông.

Sắm lễ cúng Mẫu Đông Cuông

Hàng năm, cứ xuân thu nhị kỳ, vào đầu năm bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 3 (âm lịch) và cuối năm bắt đầu từ tháng 8 đến hết tháng 12 (âm lịch),các thanh đồng trên mọi miền đất nước lại tựu về đền Đông Cuông để lễ mẫu và “bắc ghế hầu thánh”.

Cầu mong Mẫu bao dung, chở che, phổ độ nhân gian

Bên cạnh đó, bà con nhân dân trong vùng và du khách gần xa, cũng hành trình về với Mẫu, hoan hỉ cảm nhận lòng quảng đại của Mẫu - là sự bao dung, chở che, phổ độ nhân gian, để cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu; người dân vui hưởng cuộc sống no ấm và hạnh phúc. 

Đầu Xuân trở về nơi cội nguồn của Tín ngưỡng thờ Mẫu

Đăng ngày: 05/03/2022 , 12:03 GMT+7

Tin liên quan