Tết Đoan Ngọ là ngày gì?
Tết Đoan Ngọ diễn ra vào mùng 5/5 (âm lịch) hàng năm, nó còn được gọi với cái tên là Tết Đoan Dương. Đoan ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa) còn dương là mặt trời, là khí dương, Đoan dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.
Ở Việt Nam, dịp tết còn được gọi dưới cái tên dân dã là "Tết giết sâu bọ". Không chỉ riêng ở Việt Nam hay Trung Quốc mà ở Triều Tiên, Hàn Quốc cũng có Tết Đoan Ngọ. Vì vậy, dịp này thực chất là một phong tục lễ tết Á Đông gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.
Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ 5/5 ở Việt Nam
Theo tài liệu từ Ban Tôn Giáo Chính Phủ cho biết, ngày xưa, vào một mùa vụ thành công và bội thu, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo đến phá nát mọi thứ.
Mâm cúng được nhân dân chuẩn bị để giải nạn sâu bọ
Nhân dân lo lắng chẳng biết làm thế nào để giải trừ được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đến xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một bàn cúng gồm bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Mọi người làm theo thì chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi. Và thế cứ vào ngày này, nông dân lại lập bàn cúng để giải trừ sâu bọ, từ đó ngày 5/5 âm lịch là ngày "Tết diệt sâu bọ" và còn gọi là "Tết Đoan Ngọ" vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.
Ý nghĩa Tết Đoan Ngọ ngày 5/5
Bên cạnh ý nghĩa tiêu diệt sâu bọ phá hoại mùa màng thì người Việt còn cho rằng đây là dịp để giải trừ bệnh tật trong thời điểm giao mùa.
Người xưa quan niệm bộ phận tiêu hóa của con người thường có các loại ký sinh gây hại không phải lúc nào cũng diệt được. Duy có ngày mùng 5/5, các loại ký sinh này thường ngoi lên và đây là thời cơ để con người ăn những thức ăn có vị chua, chát để loại bỏ chúng.
Cúng Tết Đoan Ngọ tại Việt Nam 5/5
Lễ Gia Tiên
Mâm cúng lễ Gia Tiên gồm:
- Một mâm cơm chay.
- Các loại bánh chay, xôi chay.
- Ba chén rượu ba màu trắng, đỏ, vàng, trong rượu có pha một chút hùng hoàng.
- 9 bông hoa đồng tiền đỏ cài lên mâm hoa quả.
- Ba chén nước trà ba hương vị khác nhau, cùng vàng thuyền, vàng thỏi, vàng lá.
- Mâm hoa quả ngũ sắc có đủ năm vị là, cay, chua, đắng, mặn, ngọt.
- Có thể mua tiền âm phủ.
Mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ 5/5
Lễ cầu xin Ngọc Hoàng Đại Đế và Thần Tiên
Chuẩn bị đàn lễ được cúng ngoài trời, được đặt quay mặt về hướng Nam.
Mâm cúng lễ cầu xin Ngọc Hoàng Đại Đế và Thần Tiên gồm:
- Bàn lễ trải một tấm vải đỏ rộng.
- Mâm hoa quả ngũ sắc có đủ năm vị là, cay, chua, đắng, mặn, ngọt.
- Các loại bánh chay, một mâm xôi.
- 5 chén rượu năm màu trắng, đỏ, vàng, xanh, đen. Trong rượu có pha một chút hùng hoàng.
- 9 bông hoa đồng tiền đỏ cài lên mâm hoa quả.
- Một chiếc lọng đỏ có viền vàng.
- 5 chén nước trà năm hương vị khác nhau, cùng vàng thuyền, vàng thỏi, vàng lá.
Giờ đẹp để làm lễ cúng Tết Đoan ngọ 5/5
Ngày này, người dân thường chuẩn bị lễ vật cúng Tết Đoan ngọ vào sáng sớm. Tuy nhiên, Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11h tới 13h. Do vậy, thời gian cúng Tết Đoan Ngọ chuẩn nhất là từ 11h đến 13h. Song, thời gian đẹp nhất để tiến hành những nghi lễ cúng bái tâm linh là vào giờ chính Ngọ - 12h trưa ngày 5/5 âm lịch.
Năm nay, ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch sẽ rơi vào thứ Sáu ngày 3/6. Đây là ngày Đinh Hợi, tháng Bính Ngọ, năm Nhâm Dần, mệnh Thổ, tiết khí Tiểu mãn, trực phá.
Ngày 5 tháng 5 Âm lịch 2022 là ngày hắc đạo, xung khắc với các tuổi Kỷ Tị, Quí Tị, Quí Mùi, Quí Sửu.
Văn khấn cúng Tết Đoan ngọ 5/5
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần) - Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương. - Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần. - Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần. - Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ khảo, Tổ Tỷ) Tín chủ chúng con là:… (Họ và tên từng thành viên trong gia đình) Ngụ tại:… (Địa chỉ) Hôm nay là ngày Đoan ngọ, chúng con sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, hoa đăng, trà quả dâng lên trước án. Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần, cúi xin các Ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật. Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ… (Họ của gia chủ),cúi xin các vị thương xót con cháu chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật. Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an thịnh vượng. Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì. Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần). |