Độc đáo 12 dòng tranh dân gian Việt Nam

Đăng ngày: 08/02/2022 , 16:43 GMT+7

12 dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam bao gồm: Tranh Đông Hồ, Tranh Hàng Trống, Tranh Thập vật, Tranh Làng Sình, Tranh Kim Hoàng, Trang Kính Nam Bộ, Tranh Đồ thế Nam Bộ, Tranh Kính Huế, Tranh Thờ miền núi, Tranh Gói vải, Tranh Thờ đồng bằng và Tranh Vải.

Mỗi dòng tranh dân gian Việt Nam đều thể hiện những nét độc đáo, chứa trong đó là phong tục, tập quán,… nét văn hóa riêng của người dân ở các vùng miền khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu và chiêm ngưỡng từng dòng tranh tiêu biểu này qua thông tin dưới đây.

Tranh Đông Hồ

Có xuất xứ từ làng Đông Hồ, với đặc trưng là thể hiện các phong tục, tập quán và sinh hoạt đời thường của người dân nên dòng tranh này gắn bó gần gũi với mọi nhà, đặc biệt là xã hội nông nghiệp Việt cổ truyền.

Tranh dân gian Việt Nam - Tranh Đông Hồ

Dòng tranh này phát triển mạnh mẽ vào khoảng cuối thế kỷ 19 đến những năm 40 của thế kỷ 20. Trở thành thú vui tao nhã, một phong tục đẹp của người dân và là một trong sáu “nguyên liệu” chính bên cạnh bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, câu đối và tràng phái để tết xưa trở nên trọn vẹn.

Tranh dân gian Việt Nam - Đông Hồ

Trên nền giấy từ ván khắc gỗ, người nghệ nhân có thể tạo nên những hình ảnh sống động từ các chất liệu tự nhiên như than lá tre già tạo màu đen, gỗ vang tạo màu đỏ, hay màu xanh của lá chàm, trắng của sò điệp,…

Tranh Kính Nam Bộ

Khi nhắc tới tranh Kính, người ta nhớ ngay tới vẻ đẹp bình dị và chân chất, y như người dân đất Nam Bộ. Do đó, không quá ngạc nhiên khi dòng tranh này đã trở thành một sản phẩm không thể thiếu trong nghệ thuật trang trí nội thất của đại đa số các gia đình ở xứ này.

Đúng với tên gọi, tranh được vẽ trên lớp kính. Do đó, mỗi lần lau chùi là tranh lại như mới, mặc cho thời gian trôi qua thì tranh vẫn giữ nguyên được màu sắc như thuở ban đầu.

Tranh dân gian Việt Nam - Tranh Kính Nam Bộ

Dòng tranh kính khá đa dạng về chủng loại, có tranh thờ tổ tiên, tranh Thần, Phật, tranh cảnh vật,… đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng hay đơn giản chỉ là thưởng thức mĩ thuật của người dân.

Tranh Hàng Trống

Từ lâu, tranh Hàng Trống đã được biết tới là một trong những dòng tranh dân gian tiêu biểu ở Việt Nam. Dòng tranh này có hai loại là tranh tết và tranh thờ, được phát triển phổ biến trên các phố Hàng Trống, Hàng Nón,… của Hà Nội.

Với cách diễn hình tinh vi và phong phú, dòng tranh này luôn đáp ứng được thị hiếu của dân thành thị.

Tranh dân gian Việt Nam - Tranh Hàng Trống

Tranh Thập vật

Đây là một dòng tranh dân gian độc đáo của người Việt trong chế độ phong kiến, thể hiện nét tín ngưỡng, tâm linh truyền thống.

Tranh dân gian Việt Nam - Tranh Thập vật

Không cầu kỳ như những dòng tranh khác, tranh Thập vật khá đơn giản trong cách tạo hình, tạo mảng, đường nét,… và chỉ in mỗi nét màu đen trên giấy. Và vì nội dung thể hiện trên mỗi bức tranh thuộc về tâm linh nên dòng tranh này chỉ dùng để phục vụ nhu cầu tâm linh chứ không treo chơi như các dòng tranh khác.

Tranh Làng Sình

Đây là dòng tranh mộc bản, được người dân Huế sử dụng phổ biến để phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng vào các dịp cúng bái, lễ tết.

Dòng tranh Làng Sình gồm có 3 loại: tranh nhân vật, tranh đồ vật và tranh súc vật. Mỗi bức tranh được tạo hình tỉ mỉ và khéo léo trong một tổng thể nền nã, đồng thời ẩn chứa những điều thiêng liêng của cõi tâm linh.

Tranh dân gian Việt Nam - Tranh Làng Sình

Tranh Kim Hoàng

Đây là dòng tranh dân gian nổi tiếng của xứ Kinh kỳ, phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ XVIII - thế kỷ XIX. Cùng thời với tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống, nhưng tranh Kim Hoàng lại tạo nên những dấu ấn và giá trị riêng nhờ ưu điểm kết hợp từ hai dòng tranh này.

So với tranh Đông Hồ, nét khắc ở tranh Kim Hoàng được đánh giá là tỉ mỉ và thanh mảnh hơn; đồng thời màu sắc lại tươi tắn như tranh Hàng Trống. Hơn nữa, trong tranh còn khắc những câu thơ Hán tự nên đã tạo ra giá trị riêng rất được ưa chuộng ở thời điểm bấy giờ.

Tranh dân gian Việt Nam - Tranh Kim Hoàng

Tranh Đồ thế Nam Bộ

Tương tự như tranh Làng Sình, tranh Đồ thế Nam Bộ cũng tập trung vào chủ đề các vị thần, chủ yếu là các nữ thần và đồ vật của thần,… nhằm phục vụ mục đích tâm linh như cúng giải hạn, cầu lễ. Dòng tranh này phổ biến ở nhiều nơi thuộc miền Trung và Nam Bộ.

Tranh dân gian Việt Nam - Tranh Đồ thế Nam Bộ

Tranh Kính Huế

Nếu như tranh Kính Nam Bộ thể hiện nét dân dã, đời thường thì tranh Kính Huế lại mang dáng vẻ sang trọng và quyền quý. Do đó, nó được làm ra chủ yếu để phục vụ cho nhu cầu của tầng lớp vua chúa, quan lại trong cung đình.

Dòng tranh kính Huế khá đa dạng, với 3 loại tranh chính là: Thi họa, Tranh minh họa các điển tích lịch sử Trung Hoa và tranh Tĩnh vật. Mỗi bức tranh đều được chú trọng đặc biệt tới phần kỹ thuật, tỉ mĩ và phức tạp; ngoài ra những khung gỗ cũng được chạm khắc vàng rất cầu kỳ nhằm đảm bảo tối đa yếu tố mỹ thuật.

Tranh dân gian Việt Nam - Tranh Kính Huế

Tranh Thờ miền núi

Cùng với các dòng tranh khắc, mỹ thuật dân gian Việt Nam còn để lại ấn tượng sâu sắc từ chính những bức tranh vẽ tay của các dân tộc như Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Sán Dìu,…

Tranh Thờ miền núi hầu hết là tranh tôn giáo, tâm linh thể hiện bằng các nhân vật thần linh, đạo Phật. Bố cục của tranh dài, hẹp và xuất hiện nhiều các nhân vật thần linh. Mỗi bức tranh đều mang đến sắc thái và giá trị nghệ thuật rất riêng, là biểu trưng cho mỗi dân tộc.

Tranh dân gian Việt Nam - Tranh Thờ miền núi

Tranh Gói vải

Với ưu điểm là đẹp mắt, sang trọng; tranh Gói vải rất được ưa chuộng tại khu vực Nam Bộ, đặc biệt là miền Tây.

Loại tranh này được tạo hình nổi bằng chất liệu vải trên nền giấy bìa cứng. Sử dụng phổ biến trong tạo hình chân dung, phổ biến là chân dung các vị thần, các vị danh nhân, anh hùng,… do đó tranh gói vải mang giá trị lịch sử và nghệ thuật rất cao.

Tranh dân gian Việt Nam - Tranh Gói vải

Ngoài ra, trong bộ 12 dòng tranh dân gian Việt Nam có sự xuất hiện của Tranh Thờ đồng bằng và Tranh vải, tuy còn khá mới mẻ với công chúng nhưng các dòng tranh này đã góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú và những nét đặc trưng riêng trong văn hóa truyền thống.

Đăng ngày: 08/02/2022 , 16:43 GMT+7

Tin liên quan