Chùa Bút Tháp được xây dựng từ thế kỷ XIV với diện tích khoảng 10.000 m2 trên địa bàn xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ngôi chùa có kiến trúc kiểu nội công ngoại quốc, với các công trình được bố trí cân xứng, chặt chẽ ở khu vực trung tâm.
Chùa Bút Tháp nhìn từ trên cao
Bên cạnh giá trị lịch sử, kiến trúc, ngôi chùa Bút Tháp hiện còn lưu giữ được bốn nhóm bảo vật Quốc gia, trong đó có Pho tượng Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được công nhận năm 2012.
Pho tượng Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay này có từ thế kỷ XVII (năm 1656). Tượng được làm từ các chất liệu: gỗ mít, vàng, bạc và son với kích thước chiều cao 235cm, chiều rộng 200cm và đường kính vành tay phụ 224cm.
Tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay trong chùa Bút Tháp
Pho tượng gồm 2 phần tượng và bệ. Tượng ngồi trong tư thế thiền định, có 11 mặt chính nhìn ra phía trước và 2 mặt phụ ở 2 bên, đầu đội mũ “thiên quan”. Đầu tượng tạo thành nhiều lớp, trên cùng là tượng A-Di-Đà ngồi trên tòa sen trong tư thế thiền định. Tượng có 42 cánh tay lớn, các cánh tay để trần, các bàn tay trong tư thế ấn quyết và thiền định, các vòng cánh tay phụ tạo thành một vòng tròn lớn đặt rời phía sau tượng (gồm 789 cánh tay) trong mỗi bàn tay có 01 con mắt. Phật ngồi trên tòa sen hồng được trang trí hoa văn gồm có sóng nước, rồng mây,…
Bệ tượng Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay
Bệ tượng có hình rồng đội đài sen. Đài gồm ba lớp cánh sen cánh to xen lẫn cánh nhỏ. Phần bệ tượng được tạo theo kiểu sumeru bố trí thành nhiều cấp với hình chữ Nhật chém góc. Chính giữa có một hàng chữ Hán ghi niên đại tạc tượng “Tuế thứ Bính Thân, thu nguyệt cốc nhật danh tạo”. Mặt bên phải chạm hình hai ô trám lồng vào nhau, hình đồng tiền kép, chính chữa có ghi dòng chữ “Nam Đồng Giao Thọ Nam trương tiên sinh phục khắc”. Hai dòng chữ cho biết ngày tạc tượng và người tạc tượng.
Họa tiết trên tượng Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay
Tượng Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay này được xem là một tác phẩm độc nhất vô nhị trong nghệ thuật tạo hình nói chung của Việt Nam và tạo hình nghệ thuật Phật giáo nói riêng vào thế kỷ XVII. Tượng được chạm khắc khéo léo với dáng hành đạo, thư thái, thể hiện nhiều tầng đầu chống nhau, nhiều lớp cánh tay tạo thành hình vòng tròn nổi. Pho tượng cũng chính là tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của thời Lê Trung Hưng còn lưu giữ được đến ngày nay.