Đặc sắc lễ hội đền Mẫu Tiên La, Thái Bình

Đăng ngày: 24/04/2022 , 21:56 GMT+7

Đã thành thông lệ, cứ vào mùng 10 tháng Ba hàng năm, tại đền Rẫy Trình lại tưng bừng diễn ra “Lễ hội Tiên La”. Đây là lễ hội truyền thống để tưởng nhớ Thánh Mẫu Đông Nhung Bát nàn Đại tướng quân. Các hoạt động trong lễ hội thể hiện sinh động nền văn hóa phong phú, đa dạng và giàu bản sắc của người dân huyện Hưng Hà (Thái Bình).

Lễ hội Tiên La tại xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình có từ thời xa xưa, gắn với tục thờ Bát nạn tướng quân (tướng quân phá nạn cho dân) Vũ Thị Thục (Thục Nương) - vị nữ tướng của Hai Bà Trưng có công đánh quân xâm lược phương Bắc, được tấn phong là Đông Nhung Đại tướng quân. Năm 2016, Lễ hội Tiên La đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, điều này càng khẳng định sức hấp dẫn và giá trị văn hóa độc đáo của lễ hội.

Đền Rẫy được cấp bằng Di tích Quốc Gia năm 2012. Và đến năm 2016, Lễ hội Tiên La được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội Tiên La là dịp để các tầng lớp nhân dân địa phương cũng như đồng bào, du khách thập phương về thắp nén tâm nhang, tỏ lòng tri ân nữ anh hùng dân tộc. Qua đó, giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm anh dũng, kiên cường.

Lễ hội Tiên La là dịp để mọi người dân tỏ lòng tri ân Thánh Mẫu Đông Nhung Bát nàn Đại tướng quân 

Tại lễ hội, nhiều lễ thức cùng các trò chơi dân gian như múa rối nước, thi giã bánh giầy, thi vật, thi pháo đất,… được tổ chức.

Trong đó, nét đặc sắc nhất là lễ rước nước gồm hai đoàn rước thủy và rước bộ từ cửa đền Tiên La, xã Đoan Hùng đến ngã ba sông Luộc. Đoàn rước gồm đội múa rồng, đội rước cờ, đoàn rước kiệu Mẫu, kiệu bát cống, kiệu long đình. Hai đoàn rước thủy, bộ gặp nhau ở ngã ba sông Luộc để lấy nước đổ vào chóe sứ, sau đó chóe nước được đặt trên kiệu mẫu rước về đền để trong cung cấm. Nghi lễ rước nước thể hiện ý nguyện cầu mong tổ tiên trợ giúp cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Sau lễ rước nước đến các phần tế lễ, mở đầu là đội tế nữ quan của làng Tiên La, sau đến các đội tế của các làng trên địa bàn.

 

Lễ rước nước tại Lễ hội Tiên La với hai đoàn rước thủy và rước bộ

Nét độc đáo của lễ hội Tiên La còn thể hiện ở hai loại hình nghệ thuật đặc sắc là hát ca trù và hát văn.

Những nét đẹp văn hóa trong Lễ hội Tiên La góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, đặc biệt là lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm anh dũng, kiên cường. Hàng năm, lễ hội được tổ chức ba lần vào tháng 3, tháng 8 và tháng 11 âm lịch; trong đó lễ hội vào tháng 3 được tổ chức với quy mô lớn từ ngày mùng 10 - 17 âm lịch và chính hội là ngày 17/3 - ngày mất của Mẫu Bát Nàn tướng quân.

Đăng ngày: 24/04/2022 , 21:56 GMT+7

Tin liên quan