Tứ Phủ: Biểu tượng thiêng liêng của tín ngưỡng thờ Mẫu

Đăng ngày: 16/02/2022 , 17:42 GMT+7

“Tứ phủ” gồm Thiên Phủ, Địa Phủ, Thoải Phủ và Nhạc Phủ lần lượt tượng trưng cho 4 miền: Trời, Đất, Nước và Rừng. Mỗi miền, mỗi phủ sẽ do nhiều vị Thánh cai quản, thứ bậc của các vị cũng được phân chia sau trước rõ ràng. 

“Tứ phủ” từ lâu đã trở thành biểu tượng thiêng liêng trong tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt. Thể hiện sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần gắn liền với các hiện tượng tự nhiên trong vũ trụ được người đời cho là có khả năng siêu phàm, có thể sản sinh, che chở cho cuộc sống. 

Giá trị văn hóa trường tồn

Theo các nhà nghiên cứu, tín ngưỡng thờ mẫu đã xuất hiện từ thời nguyên thủy và phát triển mạnh mẽ vào khoảng thế kỷ XVI. Nếu như các tôn giáo lớn khác tại nước ta đều có nguồn gốc từ nước ngoài thì đạo Mẫu lại do chính ông cha ta sáng tạo ra và phát triển nên rất gần gũi, rất thuần Việt. 

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, không có sự gò bó, cứng nhắc bởi các nguyên tắc, lễ nghĩa; mà luôn thích nghi, tự đổi mới để phù hợp với không gian và thời gian. Giá trị cốt lõi của tín ngưỡng này là hướng tới biểu tượng con người “tính bản thiện”. Muốn vậy, người thành tâm thờ Mẫu cần cố gắng học tập, tu tập, tự sửa mình, siêng làm điều thiện, điều lành. 

Trong thờ Mẫu có 4 màu đặc trưng của Tứ phủ:

- Thiên Phủ (miền Trời): tượng trưng là màu đỏ. 

- Thoải Phủ (miền Nước): tượng trưng là màu trắng.

- Địa Phủ (miền Đất): tượng trưng là màu vàng. 

- Nhạc Phủ (miền Rừng): tượng trưng là màu xanh. 

Hầu đồng là một nghi thức trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Dân gian tin rằng Mẫu là đấng tối cao được hóa thân thành tứ vị Thánh Mẫu: mẫu Thiên, mẫu Thoải, mẫu Địa, mẫu Thượng Ngàn để cai quản 4 vùng trời đất. Khái niệm Mẫu còn được mở rộng tới các bậc anh hùng, liệt nữ, các ông Hoàng, bà Chúa khi sống đã có công lao lớn với đất nước, khi về Trời lại hiển linh cứu dân độ thế, như: Quốc Mẫu Âu Cơ, Vương Mẫu Thánh Gióng, ông hoàng Bảy, ông Hoàng Mười,… Mẫu được thờ ở nhiều nơi, từ các phủ, miếu, đền đến các điện tư gia. 

Mọi người đều tin rằng, Mẫu là mẹ của chúng dân nên luôn che chở, phù hộ độ trì cho con người gặp nhiều thuận lợi, tai qua nạn khỏi, đem đến cuộc sống bình yên, sung túc. 

Tiếp cận vốn quý của dân tộc

Những giá trị văn hóa nổi bật trong Tín ngưỡng thờ Mẫu là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để bảo tồn, giữ gìn và phát triển đa dạng phù hợp với đối tượng và văn hóa vùng miền là điều không hề dễ dàng.

Để giúp cho công chúng, đặc biệt là các đối tượng trẻ có cái nhìn tổng quát và mới mẻ hơn về loại hình tín ngưỡng này, một số dự án nghệ thuật đã khai thác và tái hiện thành công hình tượng từ Tứ Phủ. 

Tứ phủ được tái hiện trong không gian nghệ thuật đương đại độc đáo và hấp dẫn

Tín ngưỡng truyền thống được tái tạo trong không gian nghệ thuật đương đại độc đáo và hấp dẫn thông qua các loại hình như tuồng, chèo, chầu văn, ca trù,… và cả trong MV ca nhạc. Sự sáng tạo trong cách thức tiếp cận vấn đề đã thể hiện được sự khác lạ, thu hút đông đảo các đối tượng. Hơn nữa, thông qua đây khán giả cũng có cái nhìn đa hướng hơn, hiểu rõ hơn giá trị của loại hình tín ngưỡng này đối với văn hóa của người Việt. 

Bài viết có tham khảo thông tin từ:

“Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ - Chốn thiêng nơi cõi thực” - Thạc sĩ Trần Quang Dũng (chủ biên).

Đăng ngày: 16/02/2022 , 17:42 GMT+7

Tin liên quan