I. Các nguyên tắc chung trong nghi thức hầu đồng
Nghi lễ hầu đồng có rất nhiều tiết lễ. Thời điểm và cách thức hay quy mô của từng nghi lễ ở mỗi nơi đều không giống nhau và mang những ý nghĩa riêng. Tuy nhiên, có một số những nguyên tắc chung trong nghi thức hầu đồng mà chúng ta cần nắm rõ để biết cách thực hành cho đúng.
1. Thời điểm và lễ tiết tổ chức các nghi lễ hầu đồng
Nghi lễ hầu đồng có bốn tiết lễ chính thường được các đồng đền, đồng điện thay mặt con nhang, đệ tử tổ chức trong một năm. Bao gồm:
- Hầu thượng nguyên (tháng Giêng): mang tính chất cầu an cho cả năm.
- Hầu vào hè (tháng Tư): với mục đích cầu mát, tránh ôn dịch,
- Hầu ra hè (tháng Bảy): với mong muốn cầu bình an, khang thái.
- Hầu tất niên: với mục đích lễ tạ Phật Thánh đã phù trợ cho mọi người một năm may mắn, bình an.
Ngoài ra, vào các dịp đản nhật, hóa nhật của các vị Tiên Thánh như rằm tháng tám (hầu Thánh Mẫu Thần Chủ),20 tháng 8 (hầu Đức Thánh Trần, 12 tháng 2 âm lịch (tiệc Mẫu Tuyên Quang),15 tháng 2 âm lịch (tiệc Mẫu Sòng Sơn) hay hóa nhật Mẫu Phủ Dầy - 3 tháng 3 âm lịch,... thì ngoài các vị đồng đền, đồng điện, các thanh đồng hầu cũng rất nhiều. Cách thức và quy mô cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh khách quan, chủ quan, tâm linh hay kinh tế của từng thanh đồng. Đây là những dịp hầy mang ý nghĩa cung chúc Thánh thọ vô cương và cầu bình an cho gia đình, cộng đồng.
Một trường hợp khác là hầu đột xuất, thường được tổ chức khi nhà đền hoặc bản thân thanh đồng có việc lớn như xây đền, lập điện, khánh tán lạc thành, trước hoặc sau việc hiếu, hỷ có thể hầu trình hay hậu tạ các Tiên Thánh.
2. Chuẩn bị cho vấn hầu
- Chọn ngày tốt để vấn hầu, tránh ngày thần cách, sát sư.
- Xin cung hầu, có trầu cau đến lễ ở đền nơi mình định hầu, thống nhất các công việc với nhà đền. Có trầu cau đến lễ ở chốn tổ, mời đồng thầy, thầy pháp, cung văn, bạn bè, hầu dâng, thông báo ngày, giờ địa điểm để mọi người sắp xếp công việc.
- Xếp khăn áo từng giá hầu, những đồ cần thiết. Nếu nhà ở xa, cần chuẩn bị xe cộ, phương tiện và thống nhất thời gian, địa điểm, phân công để nhờ nhà đền hay bạn bè đến trước bày lễ, sắp xếp.
- Mua sắm lễ vật đầy đủ, lễ bày Công đồng, lễ phát lộc, lễ mặn, lễ chay, cỗ bàn đãi khách, vàng mã, hoa, đăng,...
3. Trình tự một vấn hầu
- Cúng trước khi hầu: Khi lễ chay, mặn, vàng mã đầy đủ, pháp sư thỉnh Phật Thánh các khoa, thanh đồng chỉnh túc cân y theo lễ. Việc thụ lộc trước hoặc sau khi hầu tùy thuộc vào thời gian và hoàn cảnh công việc cho phù hợp.
- Trước khi vào hầu, thanh đồng mời đồng đền, thủ nhang, đồng thầy, pháp sư và toàn thể bạn bè đạo hữu cho đúng phép lịch sự và đảm bảo là hầu dâng đã sắp xếp đầy đủ những thứ cần thiết cho một vấn hầu.
- Phủ khăn: Nếu đi hầu trinh xa lần đầu có đồng thầy mở phủ đi cùng, tân đồng phải thỉnh đồng thầy hầu vài giá đại diện chứng đàn lễ hoặc thầy phải phủ khăn cho thanh đồng vào hầu. Tuần tự hầu tráng bóng (không mở khăn phủ diện) Tam Tòa Thánh Mẫu, từ Ngũ vị Tôn Quan đến Tứ phủ Chầu Bà, Tứ phủ Ông Hoàng, Thánh Cô, Thánh Cậu rồi mới mở khăn phủ diện để hầu theo thứ tự các giá đồng.
4. Các nghi thức trong vấn hầu
- Ra tay dấu: Các vị thánh nam ra tay trái, các vị thánh nữ ra tay phải. Nếu trên số năm phải ra bằng cả hai tay, như Chầu Lục, Chầu Mười, Ông Hoàng Bảy, Ông Hoàng Mười. Sau khi ra tay dấu, tráng bóng rồi xe giá hoặc tung khăn hồi dương ngự đồng là tùy vào người hầu.
- Theo tay dấu: Cung văn dâng văn, hầu dâng lên y phục cho giá hầu đó, giá đầu tiên phải tổng khẩu bằng rượu trước khi hành lễ.
- Hành lễ: Các vị Thánh nam dùng khăn tấu hương và lên xuống gối ba lần, các vị Thánh nữ dùng quạt và hương quỳ lễ. Khi hành lễ phải trang nghiêm, diện dụng.
- Khai quang: Thể hiện uy lực tối cao của Thần Thánh soi xét từ đền phủ, lễ vật, giấy sớ của thanh đồng hay lòng thành của các bách gia đệ tử.
- Làm việc quan: Thể hiện qua các loại hình vũ đạo tùy theo đặc thù từng giá đồng (múa kiếm, cờ, đao, hèo, chèo, đề thơ, múa mồi, múa quạt, múa bộ,... ). Đặc biệt chú ý khi thực hiện những loại vũ đạo trên, người thực hiện không được quay lưng vào bàn thờ hoặc đưa kiếm xiên lên hướng bàn thờ. Vũ đạo cần nghiêm trạng, định đạc, nhẹ nhàng, khoan thai. Thánh nam thể hiện đúng chất Thánh nam, thánh Nữ thể hiện khí chất Thánh nữ, đẹp mà vẫn tôn nghiêm, đài các mà vẫn gần gũi.
- Tọa ngự: Các giá hiến rượu, trầu cau, thưởng thức văn đàn nhã nhạc, chấp ngôn tấu đối của bách gia, ban thưởng cung văn, thừa lời truyền phán với nội dung chứng giám lòng thành mọi người, ban phúc lành, phù trợ quốc thái, dân an, chúng nhân cát khánh. Sau đó, phát lộc bằng tiền hoặc hiện vật.
- Phát lộc phải tuần tự, các đồng đền, đồng điện, thủ nhang, pháp sư, cung văn, tả hữu hầu dâng, các thanh đồng, quan khách tới dự lễ, các cụ cao niên, bạn bè, người nhà, chấp tác, nhà bếp bản đền,... Tránh phát lộc lộn xộn. Khi phát lộc đại trà nên nhờ một người nắm được nghi lễ, quen việc làm hộ.
- Sau khi phát lộc thì thưởng thức thêm một, hai khổ văn, ban khen đàn hát rồi xe giá. Không nên ngự đồng quá lâu sẽ thành nhạt đồng, gây nên tâm lý mệt mỏi, chán chường cho người dự lễ.
- Xe giá (thăng đồng): có hai hình thực là tung khăn lên đầu hoặc che quạt vào mặt. Lúc đó, hầu dâng sẽ chủ động phủ khăn, đầu hơi ngả ra sau, nhích nhẹ đầu và hai vai, hai tay giơ cao trước mặt hoặc ngang trán, sau đó vái tạ để chuyển sang giá đồng khác.
- Khi vấn hầu đã xong hoàn hảo, có lễ mặn, giấy sớ, vàng hoa, vàng lá sắp một mâm nghi thiết bày biện trang nghiêm, mời pháp sư hoặc bản thân thanh đồng vừa hầu xong lễ sám hối tạ Thánh. Việc này có thể làm ngay sau khi hầu xong hoặc để ba ngày sau khi hầu xong tới đền lễ tạ, tùy theo hoàn cảnh, công việc hay xa gần mà thanh đồng chủ động sắp xếp. Sau đó biếu lộc quý khách đầy đủ, có lời cảm tạ nhà đền, thầy pháp, cung văn, cùng toàn thể quý khách.
II. Lễ nghi trong hầu đồng
Trong nghi thức Hầu bóng (Hầu đồng) thường các vị Thánh nhập hồn bao giờ cũng là các vị Thánh làm những điều tốt lành, phù hộ cho Thanh Đồng (tức ông Đồng hay bà Đồng) và các con nhang, đệ tử làm ăn may mắn, chữa khỏi bệnh tật, trừ được rủi ro… Bởi lẽ các vị Thánh đó lúc sinh thời đều là những người tài giỏi, đạo cao, đức trọng và có vị trí cao trong xã hội đã từng có công với nước, với dân.
Trong nghi lễ hầu đồng bao giờ cũng có nghi thức xin thánh nhập, đây là một nghi lễ dân gian được lâu đời truyền lại cần được phân biệt rõ với các hình thức nhập hồn khác như nhập hồn không tự nguyện của người bị nhập hồn, nhập hồn cản những người “giữu” mang lại tai họa cho người bị nhập và những người khác. Trước khi hầu Thanh Đồng thường phải thông qua người chủ Đền để làm lễ cúng Chúng sinh và lễ Thánh. Với lễ Chúng sinh đồ lễ được đặt trên mâm, như quần áo, tiền lá vàng, thỏi bạc, cháo và các loại bánh,…. (lễ này đều có trong các Tứ Phủ) để cúng các vong, hồn không có người thừa nhân,, không có người hương khói.
Trong buổi hầu đồng, Thanh Đồng đều có người trực tiếp giúp việc đặc biệt phải có là: hầu dâng và cung văn. Người hầu dâng giúp Thanh Đồng các công việc như thắp hương, dâng các đồ trang phục, thay lễ phục sau mỗi giá đồng; Người giúp việc thường ngồi hai bên cạnh Thanh Đồng trước bàn thờ Thánh. Trang phục của họ là áo dài đen, quần trắng, đội khăn xếp (là nam),mũ, áo dài (nếu là nữ).
Cung văn không thể thiếu trong lễ hầu đồng. Họ là người chơi nhạc và hát cho việc trình diễn ở mỗi giá đồng khi Thánh nhập. Nhạc cụ gồm có đàn, trống, sáo, phách,... để dẫn hát trong mỗi giá hầu. Trong mỗi giá đồng nhạc hát phải phù hợp vào đúng khi Thánh giáng, Thánh thăng,...
Đặc biệt, khi xong các nghi lễ xin nhập đồng; Thanh Đồng thường phải lấy khăn đỏ trùm lên đầu để thực hiện nghi thức giáng đồng (Thánh giáng),hai tay chắp nén nhang, người lắc lư cho đến khi Thánh nhập, lúc đó tay Thanh Đồng mới buông nén hương và ra hiệu cho người giúp việc biết Thánh nào nhập, thuộc hàng thứ bậc nào để dâng lễ, rượu nước, thuốc lá,... Và khi đó cung văn mới bắt đầu tấu nhạc và xướng cung văn phù hợp với Thánh vừa nhập.
Trong khi Thánh giáng, thường có hai hình thức: Giáng trùm khăn (gọi là hầu tráng mạn) và Giáng mở khăn. Trong hầu hết các giá Thánh Mẫu, thường hầu theo hình thức Tráng mạn (khi Mẫu Đệ Nhất giáng thì Thanh Đồng giơ ngón tay báo hiệu thì cung văn tụng kinh theo tiếng chuông và mõ. Còn khi Thanh Đồng rùng mình bắt chéo tay trước trán là báo hiệu Mẫu đã xa giá (Thăng) cung văn hát điệu xa giá hồi cung).
Giấng mở khăn chỉ khi thánh nhập thực sự và xuất hiện cho mọi người thấy, đây là hình thức dành cho Thánh từ hàng quan trở xuống. Như vậy, trong 36 giá đồng thì Thanh Đồng thường hầu các vị Thánh đã biết rõ về thần tích, cũng như vai trò của các vị Thánh đối với người trần. Ví như các vị Thánh Mẫu bao giờ cũng giáng, các quan lớn hay giáng như Quan Lớn Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Ngũ, Chầu Đệ Nhị, Chầu Lục, Ông Hoàng Bơ, Ông HOàng Bẩy, Ông Hoàng Mười, Cô Bơ Thoải, Cô Bé Thượng Ngàn,... Thường trong một buổi hầu nhiều nhất cũng chỉ tới 20 vị, ít nhất là 10 vị còn bình thường là 15 vị. Thường thì khi giáng đồng phải theo thứ tự từ Thánh Mẫu đến Hàng Quan, Hàng Chầu, Hàng Ông Hoàng, Hàng Cô, Hàng Cậu,... còn Thánh Ngũ Hổ, Ông Rắn (ông Lốt) vong linh tổ tiên giáng sau cùng mà ít khi giáng.
+ Hầu Ba giá Mẫu:
Tuyệt đối không được mở khăn. Không có khăn phủ diện màu vàng. Không mặc áo Mẫu (nếu mặc thì phải có áo bản mệnh ở trong).
Giá Mẫu Đệ Nhất, Đệ Nhị lễ hương sống.
Giá Mẫu Đệ Tam lễ hương chín.
+ Phật, Vua Cha Ngọc Hoàng, Mẫu Địa, Mẫu Cửu, Công Đồng Thánh Mẫu:
Trong hầu đồng không có hầu Phật, Vua Cha Ngọc Hoàng và Công Đồng Thánh Mẫu.
+ Áo bản mệnh và khăn phủ diện:
Áo bản mệnh và khăn phủ diện là cái gốc trong hầu đồng, vì vậy bắt buộc phải có. Hiện nay có một số đối tượng mặc áo Mẫu để hầu Mẫu còn áo bản mệnh được cúng lễ khai chứng đàng hoàng thì vứt đi đâu; áo Mẫu ai “chứng” mà hầu. Một số kẻ còn ngông cuồng hơn; khác người hơn là dùng khăn phủ diện màu vàng. Tôi không hiểu;khăn vàng này chắc là bóng Phật về chứng để hầu Mẫu vì Mẫu là bồ tát; trong khi đó Phật lại không ngự đồng thì về “chứng” ở đâu. Đối với đại Mẫu, phải được trường pháp sư dẫn thỉnh; thay quyền Phật thánh loan giá chứng lễ.
+ Hầu nhà Trần:
Tất cả nhà Trần, Lục Bộ Thánh Ông đều được phong tước cho nên ngự áo đỏ, riêng cô Đôi Đại Hoàng ngự áo vàng, cô Thái Bình ngự áo xanh. Hầu Đức Ông Đệ Tam mới lên đai thượng.
+ Hầu các Quan:
Khi các quan về phải đi mạng chéo; thắt khăn chữ “phúc” hoặc lên nét. Không được đi hia đội mũ vì đó là đóng kịch diễn tuồng.
Quan Đệ Nhất thuộc dòng đi tu nên khi ngự đồng khai quang làm lễ, không ngự vui hiến tửu. Quan Đệ Tứ Khâm Sai cũng vậy. Khi khai quang bắt buộc phải dùng khăn tấu hương. Các giá quan Ông Hoàng, Cậu phải lễ 4 lần, mỗi lễ lễ 3 vái ở giữa, 2 vái 2 bên, 1 vái tất cả. Các giá trên lễ phải dùng khăn tấu hương và hương. Mỗi lần lễ là biểu hiện dâng hương về mỗi phủ một lần. Khi tiến lùi để lễ thì lùi 2 tiến 3. Mặt ngẩng lên nhìn công đồng nhưng khi quỳ lễ phải cúi mặt nhắm mắt. Bốn lần lễ không được bỏ hương, nếu chỉ lễ một lần phủ đệ nhất, ba phủ còn lại dùng khăn tấu hương thì khác nào có bát mà không có gạo, có cốc mà không có nước, đó là hành động bất kính. Trừ những vị đồng cựu không đứng lên được thì phải tiến hương lên công đồng, sau đó dùng tay chống gối đứng lên “ốm tha già thải” đó là được miễn giảm chứ không phải lệ như thế.
Cúng tế trong hầu bóng khác hành tế trong lễ hội. Cúng tế trong hầu bóng là lùi 2 bước tiến 3 bước dứt khoát, rõ ràng nhưng hơi nhanh biểu hiện sự làm việc tâu đồi tiến cúng, là bóng quan về làm việc. Hành tế trong lễ hội biểu hiện sự đồng tiến và là quan viên chứ không phải bóng quan, vì vậy đi theo nhịp trống có chủ tế tiến hương tiến hoa riêng biệt, đó là người trần cúng tiến lễ nghi.
Giá các quan gấp khăn tấu hương và châm hương để khai quang chứ không dùng khăn tay hay khăn mặt (khăn tay, khăn mặt chỉ để lau chùi mà không thể để thay thế khăn tấu hương). Quan Tuần tiễn đàn phải rải gạo muối.
Múa kiếm múa đao không được chỉ vào công đồng, không được cứa cổ mình.
+ Tất cả các hành động lễ ngự, làm việc, khăn áo đều phải xin phép và chứng hương:
Chứng người, chứng ngựa, chứng voi, chứng tam đầu đều phải phủ khăn tấu hương lên đầu sau đó khai quang lễ 5 lẽ, vỗ vào hông voi, ngựa 3 lần.
Các Quan, ông Hoàng, Cậu ngồi xếp vòng tròn hoặc vắt chân chữ ngũ, đeo 2 mạng chéo, nét buộc chữ phúc hoặc khăn mỏ rìu. Các giá Chầu Bà và Cô đều phải quỳ hành lễ, khai quang bằng quạt và hương chín. Một số giá như giá Cô Cả, Cô Bơ về hiến hương không múa cờ thần cờ hội (cờ thần thì để treo, cờ hội chỉ có diễn viên hề trên sân khấu mới múa chứ trong hầu bóng chỉ đi ngọn cờ hồng bằng khăn phủ diện).
Đầu xuân thì không đi cờ kiếm, đi ngọn cờ hồng, chỉ dùng cờ lệnh kiếm lệnh khi khai đền lập phủ. Đầu xuân cũng kiêng mặc đồ trắng kể cả giá bản đền là thoải đều phải mặc áo đỏ khăn đỏ thể hiện ngày vui đầu năm phù hợp với phong tục truyền thống Việt Nam. Hiện nay do sự không hiểu biết và bảo thủ, các vị Thanh Đồng cứ khăng khăng cho mình là đúng nên đã đảo lộn hết trật tự khuôn phép.
Chỉ có 5 vị Quan trên Công Đồng nên không có thêm vị quan nào khác (vị quan bản đền bản cảnh).
Không có cái gọi là Lục Phủ Tôn Ông trong hầu đồng.
Không có cái gọi là Mẫu Lâm Cung trong hầu đồng.
+ Các giá Chầu và các giá Cô:
Các điệu múa giá Chầu, giá Cô phải nhẹ nhàng. Các Chầu phải lên khăn củ ấu, chữ nhân, nón buồm. Các Cô lên khăn hoa, khăn vành dây, nét. Cô Bơ có thể lên nét 3 màu.
Giá các Chầu, các Cô về khai quang đứng hiến quạt hiến hương chứ không nghiêng ngả không múa. Giá Chầu Bà Đệ Nhị và Chầu Lục về chỉ rải lộc cho bản đền chứ không đi chợ. Giá Chầu Năm, Chầu Bé rải lộc, đi chợ. Giá Chầu Mười cưỡi ngựa đeo cờ kiếm, không đi giày. Đầu xuân giá Chầu Đệ Nhị về rải lộc rải hoa. Vào hè giá Tiên Cô về giải dịch (tiền và hoa quả) các thứ đó không ăn được phải thả sông hoặc ngã ba đường. Thường thường về giải dịch là giá Cô Đôi hoặc Cô Sáu.
Bất kể khi hiến tửu, thuốc hay nước đều phải dùng khăn hoặc quạt che miệng. Không rải tiền xuống đất để chèo đò. Đó là rải tiền cho người chết chứ Thánh không cần. Giá Cô Bơ cài tiền đò bên hông và cài 1 nén hương sống bên tai. Hầu các giá đều không được quay đáy vào Công Đồng, không được xỉa xói vào Công Đồng.
Hầu đồng giá thứ nhất phải tung khăn, tẩy khẩu, phải đội bát nhang trước mới được mở phủ, nếu ốm phải cúng tam phủ thục mệnh trước mới mở phủ.
Nơi đội bát nhang là chốn tổ, nơi thờ đó là quan trọng nhất. Nơi mở phủ là mượn cảnh để mở là quan trọng thứ hai, các cụ gọi là “một chốn đôi nơi”.
Muốn mở phủ phải có thầy khai đàn mở phủ. Mở phủ phải dùng kiếm để mở. Nếu không có căn kim chi thì Quan Đệ Nhị và Đệ Tam về mở phủ; gọi là mở chéo. Còn căn kim chi đôi nước thì cả bốn quan đều dùng kiếm, Quan Đệ Nhất và Đệ Tứ không múa kiếm mà chỉ làm lễ kiếm lệnh để khai phủ thôi.
Phủ tượng trưng cho giếng nước của từng phủ “trồng cây, đắp nấm, đào giếng, gieo mầm”. Vì vậy phải dùng kiếm để khai phủ chứ không dùng gáo, làm sao đào giếng bằng gáo được. Người ta gọi là khai phủ chứ không phải gọi theo ngôn từ bịa đặt là động phủ, chọc phủ (không hiểu họ động cái gì, chọc cái gì?).
Hầu đồng phải có sớ hầu, nếu “một chốn đôi nơi” thì phải có sớ bay về các nơi mở phủ, đội bát nhang, nhưng trước đó phải có lễ đến trình báo, sau khi hầu xong 3 ngày mới được lễ tạ. Nếu ở xa thì lễ tạ ngay nhưng khi về chốn tổ vẫn phải lễ tạ bái vọng.
Trước khi hầu đồng phải xin phép Thánh, Chủ nhang, Đạo trưởng, Cung văn, Pháp sư và bách gia trăm họ. Hầu xong phải vái tạ Phật thánh và có lời cảm ơn bách gia. Khi định hầu Thánh phải đến xin phép thầy, sắm lễ để lễ thánh xin ngày. Khi mời quan thầy, chủ nhang, đồng đền, pháp sư đều phải có lễ đến lễ thánh sau đó mới mời thầy, mời đồng. Lộc đưa các vị đó và những vị đồng cực (24 năm đổ ra mới được gọi là đồng cực nếu không có điện thờ) phải được đưa bằng đĩa.
Hầu đồng không nên trùm khăn buồm quá dài. Đó là khăn phủ tượng chứ không phải khăn hầu. Giá các Ông Hoàng đi hèo, đi thơ. Giá Ông Chín không đeo kích cầm batoong trông như thầy bói mù dở mà ông là người nho sĩ tu Phật. Không bao giờ người ta đi dép, đi guốc mộc trên sập hầu cả.
Hầu đồng phải trang nghiêm thành kính nhất tâm, vui vẻ hoan hỉ, không xúi bẩy nhau làm những điều không hiểu biết, không nói xấu, lừa đảo nhau, không dựa vào đồng bóng để làm những điều bất nhân bất nghĩa, không nên so bì ghen tị, hồ nghi, đòi hỏi, tranh gianh nhau về lộc.
Những kẻ lợi dụng đồng bóng là lừa đảo, ác ma. Sự đua đòi, ghen ghét, thù hận chỉ đem lại khổ đau cho bản thân.
III. Trình tự các giá trong một buổi hầu đồng
1. Bảo Dân Hộ Quốc Thánh Mẫu- Mẫu Đệ Nhất (Thiên Phủ) Danh hiệu: Thanh Vân Công Chúa. - Mẫu Đệ Nhị (Địa Phủ) Danh hiệu: Liễu Hạnh Công Chúa. - Mẫu Đệ Tam (Thoải Phủ) Danh hiệu: Xích Lân Công Chúa. - Mẫu Đệ Tứ (Nhạc Phủ) Danh hiệu: Sơn Lâm Công Chúa. 2. Phụ Vương Đại Thánh- Ngọc Hoàng Thượng Đế (Thiên Phủ). - Bát Hải long Vương (Thoải Phủ). - Tản Viên Sơn Thánh (Nhạc Phủ). - Thập Điện Minh Vương (Địa Phủ). |
3. Ngũ Vị Tôn Quan
- Quan Đệ Nhất (Thiên Phủ) là Quan Lớn cai quản vùng trời và lf Quan Lớn trong cung điện Ngọc Hoàng.
- Quan Đệ Nhị (Giám Sát) là Quan Lớn cai quản vùng rừng núi.
- Quan Đệ Tam (Thoải Phủ) là Quan Lớn cai quản vùng sông núi.
- Quan Đệ Tứ (Địa Phủ) là Quan Lớn cai quản vùng đồng bằng địa linh.
- Quan Đệ Ngũ.
4. Lục Phủ Tôn Ông
- Đệ Thất Vương Quan Danh hiệu: Điều Thất.
- Đệ Thập Vương Quan Danh hiệu: Quan Hoàng Triệu.
5. Tứ Phủ Chầu Bà
- Chầu Đệ Nhất (Thiên Phủ).
- Chầu Đệ Nhị (Nhạc Phủ) Danh hiệu: Ngôi Kiều Công Chúa.
- Chầu Đệ Tam (Thoải Phủ) Danh hiệu: Thủy Điện Công Chúa.
- Chầu Đệ Tứ (Địa Phủ) Danh hiệu: Chiêu Dung Công Chúa.
- Chầu Năm (Nhạc Phủ) Danh hiệu: Suối Lân Công Chúa.
- Chầu Lục (Nhạc Phủ) Danh hiệu: Lục Cung Công Chúa.
- Chầu Bảy (Nhạc Phủ) Danh hiệu: Tân La Công Chúa.
- Chầu Tám (Nhạc Phủ) Danh hiệu: Bát Nàn Đông Nhung Đại Tướng Quân.
- Chầu Chín.
- Chầu Mười (Nhạc Phủ) Danh hiệu: Đồng Mỏ Đại Tướng Quân.
- Chầu Bé (Nhạc Phủ) Danh hiệu: Bắc Lệ Công Chúa.
- Chầu Bà Bản Đền Danh hiệu: Thủ Điện Công Chúa.
6. Thập Vị Thủy Tế
- Ông Hoàng Cả (Thiên Phủ) Danh hiệu: ông Hoàng Quận.
- Ông Hoàng Đôi (Nhạc Phủ).
- Ông Hoàng Bơ (Nhạc Phủ).
- Ông Hoàng Tứ (Địa Phủ) Danh hiệu: Ông Hoàng Khâm Sai.
- Ông Hoàng Năm.
- Ông Hoàng Sáu.
- Ông Hoàng Bảy (Nhạc Phủ) Danh hiệu: Ông Bảo Hà.
- Ông Hoàng Bát (Thoải Phủ) Danh hiệu: Ông Đệ Bát Đồng Bằng Sông Diêm.
- Ông Hoàng Chín (Thiên Phủ) Danh hiệu: Ông Cờn Môn.
- Ông Chín Thượng (Nhạc Phủ).
- Ông Hoàng Mười (Địa Phủ) Danh hiệu: Ông Nghệ An.
7. Tứ Phủ Tiên Cô- Cô Đệ Nhất Thượng Thiên (Thiên Phủ). - Cô Đệ Nhất Thượng Ngàn (Nhạc Phủ). - Cô Đôi Thượng (Nhạc Phủ). - Cô Bơ Hàn Sơn (Thoải Phủ). - Cô Tư (Địa Phủ). - Cô Năm Suối Lân (Nhạc Phủ). - Cô Sáu Sơn Trang (Nhạc Phủ). - Cô Bảy Tiên La (Nhạc Phủ). - Cô Tám Đồi Chè (Nhạc Phủ). - Cô Chín Sòng Sơn (Thiên Phủ). - Cô Chín Thượng (Nhạc Phủ). - Cô Chín Thoải (Thoải Phủ). - Cô Mười Mỏ Ba (Nhạc Phủ). - Cô Bé Đông Cuông (Nhạc Phủ). - Cô Bé Suối Ngang (Nhạc Phủ). - Cô Bé Thác Bờ (Thoải Phủ). - Cô Bé Thoải (Thoải Phủ). - Cô Bé Đen (Nhạc Phủ) hay Cô Bé Sóc. |
8. Thập Vị Triều Cậu
- Cậu Hoàng Cả (Thiên Phủ).
- Cậu Hoàng Đôi (Nhạc Phủ).
- Cậu Hoàng Bơ (Thoải Phủ).
- Cậu Hoàng Bé (Nhạc Phủ).
9. Quan Ngũ Hổ
- Đông Phương Giáp Ất Mộc Đức Thanh Hổ Thần Quan,
- Nam Phương Bính Đinh Hỏa Đức Xích Hổ Thần Quan.
- Trung Ương Mậu Kỷ Thổ Đức Hoàng Hổ Thần Quan.
- Tây Phương Canh Thân Kim Đức Bạch Hổ Thần Quan.
- Bắc Phương Nhâm Quý Thủy Đức Hắc Hổ Thần Quan.
10. Ông Lốt
- Thanh Xà Đại Tướng Quân.
- Bạch Xà Đại Tướng Quân.