Võ sư Nguyễn Khắc Chương sinh năm 1963 hiện đang là chưởng võ phái Y - Võ Thiên Phúc. Thiên ở đây là thiên nhiên, con nhà võ khi hiểu Y - Võ thì đề cao thiên nhiên; mượn sự tinh hoa, sản vật của thiên nhiên ban tặng cây lá, cỏ hoa dùng điều chế làm thuốc nhằm tạo phúc làm thiện giúp đời....
Với ông, “LUYỆN VÕ THUẬT TU TÂM ĐẠO - THÔNG Y LÝ CỨU ĐỒNG BÀO” là kim chỉ nam của chưởng môn với Y Võ Thiên Phúc.
Luyện võ, nghiên cứu về y thuật không chỉ để tu tâm, có sức khoẻ, mà quan trọng hơn là để làm những việc chính nghĩa, để giúp lấy đồng bào thân thương của chính mình.
Võ sư Nguyễn Khắc Chương sinh ra trong gia đình có truyền thống võ thuật cổ truyền mà thời đó dân ta gọi là (võ ta).
Bậc sinh thành của võ sư là cụ Nguyễn Xuân Văn (sinh năm 1941) là Trung đoàn trưởng dân quân tự vệ, đã từng được đào tạo võ thuật trong quân đội, công an và là cán bộ Ban Tuyên giáo thành uỷ Hà Nội. Đối với võ sư Chương người cha này là một người vĩ đại, từ bé đã dạy bảo nhân cách làm người cho con, biết sống có Tâm có Đức, biết Tự lập cho mình. Còn mẹ là cụ Nguyễn Thị Ngọc Thanh (sinh năm 1941) là một người mẹ hiền lành, chịu thương chịu khó, dành tất cả mọi điều tốt đẹp cho con cái, luôn được võ sư dành tình cảm mến yêu và ngưỡng mộ. Đến nay, dù đã công thành danh toại nhưng lúc nào lòng ông cũng thầm cảm ơn ân đức sinh thành bao la như trời bể của cha mẹ.
Cơ duyên đến với võ thuật
Theo đạo lý nhà Phật “Mỗi người xuất hiện trong cuộc đời bạn đều có nguyên do. Mối lương duyên của người với người là từ kiếp trước, vì thế trong cuộc đời này khi ta gặp một ai đó đều có lý do riêng cả. Nhiều khi, giữa muôn vàn những điều không thể, ta vẫn có thể nhiều hơn một cơ hội. Cái đó gọi là cơ duyên”.
Cơ duyên đã đến với võ sư vào năm 16 tuổi, thời niên thiếu nhiệt huyết với sự đam mê cháy bỏng trong người. Người thầy đầu tiên là cụ Trung Linh dạy thiếu lâm Côn Luân, ông là người được nhà nước gửi sang Triều Tiên để tập huấn phục cho kháng chiến. Người thầy này là 1 vị võ sư nổi tiếng về võ thuật thời bấy giờ.
Võ sư Nguyễn Khắc Chương có cơ duyên với võ thuật từ năm 16 tuổi
Ngày đầu tiên chàng thiếu niên Nguyễn Khắc Chương gặp thầy là qua một người bạn giới thiệu và gặp nhau tại phố Đê La Thành. Chính hôm đó là ngày ra mắt, đồng thời là buổi tập đầu tiên của hai thầy trò.
Thật ngạc nhiên, khi ấn tượng nhất đối với anh là thầy cầm hai cây đòn gánh đưa cho 2 cậu học trò để đánh vào cơ thể thầy, vụt vào bụng, đùi, tay, chân hết sức mà thầy vẫn không hề hấn bầm tím gì. Lúc ấy thầy đang truyền thông điệp cho 2 học trò về sức mạnh của võ thuật. Và niềm yêu thích của chàng thanh niên Hà Thành với võ thuật đã bắt đầu từ hôm đó.
Thời bấy giờ tập võ không được công khai nên thầy và trò chỉ tập dấm dúi trong vườn nhà kín đáo… Tối thì về nhà ôn luyện với các anh em cùng môn phái.
Đầu tiên là hệ thống cơ bản công với tấn pháp ép xoạc, các bài quyền cùng các bài tập thể lực bổ trợ. Nâng cao hơn là các miếng đánh các đòn quyền cước có sức mạnh tinh hoa hơn. Cái tâm đắc nhất của chàng thanh niên với thầy là những đòn cước có thể đá bay cái thùng phi đựng dầu 200l mà có thể bay xa đến tận 20, 30m; một nội lực vô song là 1 người tên tuổi trong làng võ lúc bấy giờ.
Trải qua quá trình tập luyện thầy đã truyền lại những bài học thể lực là nền tảng sức khỏe vững chắc sau này. Được truyền thụ những tinh hoa võ thuật từ người thầy, võ sư Nguyễn Khắc Chương đã không ngừng mài dũa, khổ luyện.
Vào năm 1982 võ sư Nguyễn Khắc Chương bắt bầu nhập học vào trường Nghiệp vụ giao thông vận tải tại Xuân Đỉnh với chuyên môn về sửa chữa ngành vận tải để sau này phục vụ đất nước với mỗi tháng được nhà trường trợ cấp vài kg gạo và thực phẩm để sinh hoạt.
Sau khi tốt nghiệp trình độ xuất sắc, võ sư đã được cử sang Tiệp Khắc để bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về tàu điện ngầm và tàu điện nổi, hệ thống giao thông công cộng của đất nước bạn và đồng thời làm việc tại Praha 4 (là 1 thủ đô của Tiệp Khắc).
Khi sinh sống bên đó võ sư tham gia hoạt động và sinh hoạt tập luyện môn võ Taekwondo. Đồng thời giao lưu và chia sẻ võ cổ truyền dân tộc cùng văn hóa Việt Nam với các anh em tại câu lạc bộ để nhằm truyền bá võ học dân tộc đến với bạn bè quốc tế.
Năm 1986 võ sư về nước, lúc đó cũng là thời điểm vàng nhà nước mở cửa để toàn dân rèn luyện xã hội hóa thể thao nên võ sư đã mở võ đường tại số 5 phố Hàng Da, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội thu hút đến hơn 100 học trò tại thủ đô và một số vùng lân cận đều là các thanh thiếu niên.
Võ sư Nguyễn Khắc Chương cùng các học trò tham dự giải vô địch thế giới võ cổ truyền Việt Nam
Không đóng khung trong việc học võ mà anh từng biết, võ sư Nguyễn Khắc Chương nâng cao võ học của bản thân nên đã bái sư thêm 2 người thầy vào năm 1988. Hai thầy này đều tập nhu thuật, chia sáng thầy Lợi ở 39 phố Lý Quốc Sư dạy thiếu lâm Nam Phái, chiều thầy Trịnh Quốc Định dạy Vịnh Xuân quyền tại phố Ngọc Hà, tối thì lại đi dạy. Và cứ miệt mài tập luyện trong hơn 2 năm. Chính sự ham học hỏi, siêng năng rèn luyện võ thuật mà nhìn ông có cái uy, cái hào sảng của con nhà võ.
Y VÕ
Vào năm 1990 võ sư Nguyễn Khắc Chương xây dựng gia đình và bắt đầu nghiên cứu về Y học. Đồng thời làm công tác về quân số của UBND quận Hoàn Kiếm, phụ trách đội bảo vệ chợ Hàng Da.
Năm 2000 võ sư gặp được thầy Nguyễn Mạnh Long và được truyền thụ khí công Mật Tông Tây Tạng (chuyên về Khí công và phong thủy học).
Bản thân võ sư cảm thấy võ thuật có nhiều nét tương đồng với Y Học, với sự lĩnh hội căn cơ về võ học nên võ sư Chương bắt đầu chữa bệnh cho mọi người bằng cách xoa bóp bấm huyệt, nắn xương khớp, đắp bó thuốc cho mọi người.
Có lẽ, chữa cho ai khỏi người đó nên võ sư thấy đó là cơ duyên của chính mình với y học. Sau đó võ sư bắt đầu tìm thầy để học kinh nghiệm từ các lương y có tiếng thời ấy, đồng thời võ sư quyết định tham gia học 1 lớp lương y cơ bản do nhà nước tổ chức trong 12 tháng, do hội đông y tổ chức tại hội trường Ba Đình và được cấp chứng chỉ.
Chính sự nhiệt huyết ấy, bằng cả thể lực và sự quyết tâm học hỏi không ngừng nghỉ của võ sư Nguyễn Khắc Chương từ các lương y cao tay cùng sự đào tạo chuyên môn cơ bản nên trình độ Y thuật đã vượt trội đáng kể, tiếng lành đồn xa nên rất nhiều người đến tìm để nhờ võ sư chữa bệnh với số lượng người bệnh khỏi hầu hết. Khi đó, niềm vui của các bệnh nhân chính là phần thưởng vô giá với võ sư.
Đến năm 2005, Đài truyền hình Hà Nội mời võ sư đại diện cho môn Vĩnh Xuân chi phái cụ Trần Văn Phùng để biểu diễn khí công, nội công nhằm cổ vũ tinh thần võ học với phong trào rèn luyện sức khỏe.
Màn biểu diễn dùng giáo nhọn chống vào yết hầu để đẩy chiếc xe ô tô nặng hơn 1 tấn di chuyển có người ngồi trên của Võ sư Nguyễn Khắc Chương
Với màn biểu diễn dùng 2 hàm răng kéo 2 ô tô, 1 chiếc 7 chỗ,1 chiếc 16 chỗ và dùng giáo nhọn chống vào yết hầu để đẩy chiếc xe ô tô nặng hơn 1 tấn di chuyển có người ngồi trên. Thật quả phi thường, sau khi truyền hình phát sóng thì Hội võ thuật Hà Nội đã biết đến và ngỏ lời mời võ sư tham gia sinh hoạt vào Hội nhằm xây dựng đẩy mạnh sự phát triển phong trào võ thuật cổ truyền tại Thủ đô.
Cùng năm ấy võ sư bắt đầu mở công ty Y Võ Thiên Phúc tại Tô Ngọc Vân vừa công tác vừa dạy võ, dạy khí công và chữa bệnh cho mọi người với tác phong chuyên nghiệp mà võ sư đã dày công trau dồi, rèn luyện suốt thời gian qua.
Năm 2008, võ sư chuyển về Đặng Thai Mai được thầy Đào Kim Long là đạo trưởng Nam Y Đạo Pháp, giảng viên trường dược có tiếng trong làng Nam y nhận làm đệ tử. Sau khi bái sư, võ sư chuyển về gần nhà thầy để vừa học nâng cao về ngành y thuật vừa dạy võ, phát triển phong trào võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Trong thời gian này võ sư tiếp tục học y sỹ, y học cổ truyền đa khoa và với sự tín nhiệm xuất sắc của bản thân võ sư được bầu làm lớp trưởng. Đến kỳ tốt nghiệp võ sư Nguyễn Khắc Chương là một trong bảy người xuất sắc nhất của trường và được vinh dự trao bằng khen ghi danh.
Từ đó đến nay võ sư Nguyễn Khắc Chương vừa dạy võ, vừa dạy khí công đồng thời chữa bệnh cho mọi người giúp đời.
2019 võ sư Chương chuyển về Ngõ 120, Phòng 61 Nhà A4, đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà nội.
Câu chuyện cổ tích giữa đời thường
Trong suốt 10 năm võ sư đi biểu diễn rất nhiều tỉnh thành để nhằm khơi dậy tinh thần thể thao, rèn luyện võ thuật, lưu giữ bảo tồn và phát triển phong trào võ thuật cổ truyền dân tộc, đã đào tạo ra hàng nghìn võ sư, võ sinh với 13 võ đường từ các học trò mở ra trong và ngoài nước.
Không chỉ dừng lại ở đó, võ sư Nguyễn Khắc Chương cũng viết nhiều sách hướng dẫn tập luyện khí công để lại cho thế hệ kế cận. Đặc biệt tài năng cùng sự mát tay khi chữa bệnh cho mọi người nên tiếng lành đồn xa.
Có cô bé tên Mai Anh học đại học năm 2 mắc bệnh Lupus ban đỏ biến chứng sẽ để lại là hậu quả phù não, phù thận, phù toàn thân, cấm khẩu, mắt ko nhìn thấy, toàn bộ người phù chương và cuối cùng bệnh viện trả về. Bố mẹ em đã bán hết nhà cửa để chữa trị nhưng cũng không mấy khả quan. Khi kinh tế quyệt quệ mất hết sự hy vọng nhưng may sao đến cuối cùng cũng là lúc có nhân duyên gặp võ sư Chương.
Thời gian thấm thoát trôi qua, võ sư đã chữa cho em Mai Anh 4 năm liền và trái ngọt đã có, cô bé ấy tưởng chừng đã hết hy vọng nhưng tia sáng lóe lên khi gặp được người võ sư tài năng đức độ này mà em ấy may mắn khỏi bệnh. Cứu người là cứu lấy ta, võ sư dành trọn Tâm - Sức của mình cứu người không màng đồng bạc. Sau đó, em sống được 9 năm khỏe mạnh cùng với gia đình và mất về bệnh sốt xuất huyết do bất cẩn.
Không thể nói hết được những hoàn cảnh khó khăn mà võ sư gặp và đã cứu chữa giúp đỡ từ tâm thiện của anh. Những người đó đều được ghi danh vào sổ vàng của Y Võ Thiên Phúc…
Hiện tại võ sư cao cấp Nguyễn Khắc Chương được hội võ thuật phân công phụ trách phó ban chuyên môn, chủ nhiệm võ đường Võ Y Thiên Phúc và là Giám đốc Công ty Y Võ Thiên Phúc được thành lập từ năm 2008.
Với tâm hồn, trí tuệ và tâm huyết của mình, võ sư Nguyễn Khắc Chương không những đã kế tục xuất sắc những truyền thống quý báu của võ thuật Nước nhà, tìm cách truyền bá võ thuật vươn ra thế giới mà còn phát triển về Y - Võ. Có lẽ rằng điều quan trọng nhất với anh là tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc mỗi ngày chỉ là được nhìn thấy sự trưởng thành của học trò qua từng thế hệ Võ, nhìn thấy ánh mắt biết nói của những bệnh nhân được sống như sinh ra một lần nữa. Tưởng chừng những điều vô cùng nhỏ bé và bình dị ấy lại là nguồn động lực to lớn, tiếp thêm nguồn sức mạnh giúp võ sư vững bước trên con đường đã, đang và sẽ tiếp tục sau này “vì một tương lai võ thuật Việt Nam tươi sáng”.
Ngọc Linh.