Văn khấn xin lộc cô Chín

Đăng ngày: 15/03/2022 , 09:37 GMT+7

Cô Chín linh thiêng cứu người, giúp đời nên được người dân ở khắp nơi thờ phụng với lòng tôn kính trọng vọng; mong cô ban phước lành, bình an tới cho muôn dân.

Đền Cô Chín Giếng là nơi thờ chính của Cô Chín. Ngoài ra, tại nhiều phủ đền, người dân đều áp dụng hình thức thờ vọng cô; mong cô ban phước lành tới cho muôn dân. Ngoài tên gọi Cô Chín Sòng, Cô còn được nhân dân kính nể gọi bằng những cái tên khác nhau như: Cô Chín Suối Rồng (Hải Phòng),Cô Chín Thượng Thiên (Bắc Giang),Cô Chín Tây Thiên (Vĩnh Phúc),Cô Chín Đồng Mỏ (Lạng Sơn),…

Hàng năm, cứ vào dịp đầu năm mới người dân thường đi lễ đền Cô Chín Sòng Sơn để cầu chúc cho gia đình năm mới may mắn, bình an và tốt lành. Nếu không đi vào dịp này, du khách có thể đi vào dịp 26/2 (âm lịch) - ngày lễ hội truyền thống (lễ rước kiệu từ đền Sòng Sơn sang đền cô Chín rồi lên đèo Ba Dội) hoặc ngày 9/9 (âm lịch) - ngày chính hội.

Cô Chín Giếng

Cách sắm lễ đi đền cô Chín

Khi đi lễ cô Chín, quý khách có thể tùy tâm sắm lễ chay hoặc lễ mặn. Lễ vật không cần quá cầu kỳ, cốt là có tấm lòng thành kính.

Một số lễ vật cơ bản nhất cần chuẩn bị đó là: Hoa quả, rượu cúng, thuốc lá, trầu cau. Lưu ý, tất cả các lễ vật này nên chọn theo số lẻ để dâng. Ngoài ra, quý khách có thể dâng thêm: võng, nón hài, tiền vàng.

Cần nhớ rằng, trong mâm lễ dâng hương cô Chín không thể thiếu được hoa. Quan trọng nhất trong mâm lễ là:

- 12 quả cao;

- 12 lá trầu;

- 9 bông hoa hồng.

Lễ vật cần sắm

Văn khấn tâu cô Chín Sòng Sơn

Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!

Hương tử chúng con thành tâm kính lạy đức Hiệu Thiên Chí tôn Kim Quyết Ngọc Hoàng Huyền cung cao Thượng đế.

Kính lạy:

- Đức Cửu Trùng Thánh Vân lục cung công chúa.

- Đức Thiên tiên Quỳnh Hoa Liễu Hạnh Mã Hoàng công chúa, sắc phong Chế Thắng Hỏa Diệu Đại Vương, gia phong Tiên Hương Thánh mẫu.

- Đức đệ nhị đỉnh thượng cao sơn triều Mường Sơn tinh công chúa Lê Mại Đại Vương.

- Đức đệ tam Thủy phủ, Lân nữ Công Chúa.

- Đức đệ tứ khâm sai Thánh Mẫu, tứ vị chầu bà, năm tòa quan lớn Mười dinh các quan, mười hai Tiên Cô.

Con xin cung thỉnh Cô Chín Sòng Sơn, mười hai thánh cậu, Ngũ hổ Đại tướng, Thanh Hoàng Bạch Xà Đại tướng.

Hôm nay là …

Tín chủ con là ………..

Ngụ tại:……………………………

Cùng toàn thể gia đình đến điện (phủ, đền) chấp tay kính lễ khấu đầu vọng bái.

Lòng con thành khẩn, dạ con thiết tha kính dâng lễ vật con cúi xin các ngài xét thương cứu độ cho gia đình con tiêu trừ tai nạn điều lành thường tới, cầu tài được tài, cầu lộc được lộc, cầu bình an được bình an.

Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!

Lưu ý, đây là bài khấn nôm cho những con hương đi lễ nhà thánh, nhà ngài, còn những thầy đồng chuyên lễ lạy thì sử dụng bài khấn khác với nội dung chi tiết hơn rất nhiều.

Cần lưu ý gì khi hành hương tại đền Cô Chín

- Về trình tự dâng lễ: Du khách nên khấn vái trước ban thờ bên ngoài để xin phép các quan cai quản tại đền. Tiếp đó, du khách dâng lễ tại một trong các cung trong đền và đọc văn khấn. Sau đó, chờ khoảng 1 tuần hương thì hạ lễ.

- Về lễ vật: Du khách nên chuẩn bị lễ vật ngay từ ở nhà kẻo vào ngày hội sẽ có rất đông người. Tuy nhiên, nếu chưa kịp chuẩn bị lễ, thì du khách có thể sắm lễ tại các sạp hàng đối diện đền; ở đó có bán đủ lễ mã, lễ mặn, lễ chay và viết sớ cho du khách.

Ở phía bên phải ngôi đền là khu vực sắp lễ, có đầy đủ kích thước mâm lễ cho du khách sử dụng. Tuy nhiên, sau khi làm lễ xong du khách nên trả lại đúng vị trí. Phía bên trái đền là khu vực hóa sớ.

Đền Cô Chín Thanh Hóa

Một số đền thờ Cô Chín

Như đã nói ở trên, Cô Chín linh thiêng nên hiện có rất nhiều nơi đang thờ phụng cô. Tuy nhiên, tất cả đều là đặt bát hương thờ vọng thánh cô.

Thực tế, Cô Chín đang được thờ chính tại đền Cô Chín Giếng (Thanh Hóa). Đền Cô Chín Giếng cách đền Sòng Sơn khoảng 1km. Cả hai đền đều thuộc phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Đền nay, nhiều người vẫn lầm tưởng rằng đền Sòng Sơn là nơi thờ chính của Cô Chín; nhưng thực tế đây là nơi thờ chính của Mẫu Cửu, Chầu Cửu. Do danh tiếng của Cô Chín Sòng Sơn quá lớn nên mới xảy ra sự nhầm lẫn này.

Ngoài Thanh Hóa thì hiện nay Cô Chín còn được thờ vọng ở:

- Đền thờ Cô Chín Thượng: Vị trí gần Đền chúa Nguyệt Hồ, ở huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

- Đền thờ Cô Chín Suối Rồng: Ngôi đền này còn được gọi với tên khác là Đền Cô Chín Suối hoặc Đền Cô Chín Rồng; nằm ở huyện Đồ Sơn, tỉnh Hải Phòng.

- Đền Cô Chín Tây Thiên: Ngôi đền này nằm trong Quần thể khu du lịch tâm linh Tây Thiên, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

- Đền Cô Chín Đồng Mỏ: Hay còn được gọi là đền Cô Chín Mỏ Ba, hay đền Cô Chín Lạng Sơn. Đền nằm ở lưng chừng một ngọn núi, đường đi khá dốc, do đó để đến được đền Cô thì thực sự phải là người có tâm, có duyên với Cô.

- Đền Cô Chín ở Hà Nội:

Tại Hà Nội hiện có một số ngôi đền, miếu thờ vọng Cô Chín. Danh sách các đền, miếu dành cho những con hương nhất tâm muốn đến vái lạy Cô:

+ Đền Sòng Sơn Vọng Từ: Số 35 phố Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội.

+ Đền Kim Giang: Số 122 Kim Giang, Phường Đại Kim, Quận Hoàng Mai, Hà Nội.

+ Miếu Cô Chín Giếng: Số 86 Hào Nam, Phường Chợ Dừa, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

+ Miếu Cô Chín: Ngõ Lan Bá, Phường Trung Phụng, Quận Đống Đa, Hà Nội.

+ Miếu Thờ Cô Chín - Gia Quất: Số 32 Ngõ 29 Thượng Thanh, Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội (Gần chung cư Royal City Sông Hồng).

Đăng ngày: 15/03/2022 , 09:37 GMT+7

Tin liên quan