VĂN HÓA VÕ THUẬT VIỆT NAM

Đăng ngày: 29/01/2024 , 14:06 GMT+7

VĂN HÓA VÕ THUẬT VIỆT NAM

VIETNAM MARTIAL CULTURE

Trương Văn Bảo

Viện Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Văn hóa Đông Nam Á có nhiều đề tài để thực hiện, là nơi nghiên cứu, lưu giữ và phát huy văn hóa Việt và Đông Nam Á. Trong đó có văn hóa võ thuật Việt Nam và Đông Nam Á. (Vietnam martial culture. Southeast Asia martial culture).

Văn hóa võ thuật Việt Nam là một trong những minh chứng tiêu biểu cho nền văn hóa truyền thống dân tộc. Đây là loại hình võ thuật sử dụng cả hai lãnh vực sức mạnh thể chất và tinh thần. “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”.

Luận thuyết của võ thuật Việt Nam dựa trên nền tảng triết học, lịch sử, truyền thống, văn hóa, văn học cổ điển Việt Nam, trong khi các kỹ năng của võ thuật Việt Nam bao gồm các hình thức chiến đấu tay không, binh khí và các loại hình khác.

Võ thuật Việt Nam không phải chỉ là một môn vận động thể thao giản đơn mà còn là một hiện tượng văn hóa thần kỳ liên quan đến thái cực, âm dương, ngũ hành, bát quái, điểm huyệt, giải huyệt, cùng y võ lưỡng dụng dùng để điều trị bệnh tật.

Võ thuật Việt Nam là phương pháp chiến đấu có hệ thống đã phát triển qua hàng nghìn năm ở các vùng đất võ khác nhau của đất nước, đồng thời được hỗ trợ bởi quy tắc danh dự và đạo đức. Vì vậy, khi nói đến văn hóa võ, người ta phải đưa vào định nghĩa của mình cả những hành động văn hóa và kiến ​​thức văn hóa liên quan đến việc nghiên cứu võ thuật nói chung, cũng như các biểu hiện văn hóa tương đồng. Hơn nữa, khi thảo luận về văn hóa võ thuật đặc thù của Việt Nam, chúng ta phải tập trung vào các hành vi khuôn mẫu và sự tin tưởng có hệ thống của các chiến binh Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia văn hiến có tinh thần tôn đức, thượng võ, trải qua hàng ngàn năm lịch sử đã minh chứng cho tinh thần văn hóa võ thuật ấy, có thể kể đến:  

1. Vật Việt Nam: Theo tài liệu của Viện sử học thì Vật Việt Nam có từ thời Hai Bà Trưng. Tài liệu ghi: “Năm 10, nữ tướng Lê Chân thường tổ chức những cuộc thi võ và diễn võ, trong đó môn vật là hay hơn và trọng dụng hơn. Nữ tướng thường tổ chức về môn võ ấy từ hai đến ba ngày để chọn lựa võ sĩ.”

Vật Việt Nam (Vật Dân tộc) thực chất là môn võ đặc thù, ngày nay trở thành môn thi đấu thể thao mang màu sắc dân tộc, được giảng dạy trong các Trường Đại học Thể dục thể thao. Vật có lịch sử lâu đời, truyền từ đời này sang đời khác, phát triển mạnh tại các tỉnh phía Bắc, nổi tiếng là Vật Liễu Đôi và một số tỉnh miền Trung.

2. Võ Việt Nam: Võ Việt Nam do người Việt Nam sáng tạo, tài bồi, bảo lưu và phát triển rộng ra ngoài xã hội từ thế hệ này qua thế hệ khác, vùng miền này qua vùng miền kia, dần thành hệ thống khoa học mang tính văn hóa võ thuật. Nếu có môn võ nào đó được công nhận di sản, thì gọi là “di sản văn hóa” chứ không gọi là “di sản võ thuật”, vì đỉnh cao võ thuật chính là văn hóa, không thể tách rời.

2.1. Võ cổ truyền: Võ cổ truyền là môn võ của ngày xưa (người xưa) truyền lại. Trước đây gọi là Võ Dân tộc, Võ Ta rồi đến Võ cổ truyền. Đây là môn võ truyền thống lâu đời của người Việt đi theo dòng lịch sử Việt Nam từ ngày đầu lập quốc trong cuộc sống đời thường của người dân và trong trận mạc của các chiến binh. Nay đã có hàng trăm môn phái, hệ phái, chi phái, dòng tộc trải từ Bắc vào Nam và đã lan tỏa ra thế giới. Võ cổ truyền Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội, tổ quốc và dân tộc, đặc biệt trong những giai đoạn chiến tranh chống giặc ngoại xâm.

2.2. Vovinam (*): Vovinam hay Vovinam-Việt võ đạo là môn võ Việt Nam lấy võ và vật cổ truyền Việt Nam làm nền tảng cộng thêm tinh hoa một số môn võ khác của thế giới theo nguyên lý “cương nhu phối triển” trong chủ thuyết “cách mạng tâm thân” cùng phương thức “dung nạp và thái dụng”, do Võ sư Nguyễn Lộc (1912-1960),quê Sơn Tây sáng lập, huấn luyện năm 1938 và ra mắt tại Hà Nội năm 1939. Ngày nay, Vovinam phát triển vững mạnh trong nước và nước ngoài.

2.3. Võ tự do Việt Nam: Thời gian gần đây, giới võ yêu thích võ đài mong muốn phục hưng Võ tự do Việt Nam. Võ tự do không phải là môn phái võ như Võ cổ truyền hay Vovinam mà là thể thức thi đấu tự do, trước đây được gọi là “Boxe Vietnamienne”, “Boxe libre Vietnamienne” hay “Boxing Vietnam”, thịnh hành khoảng đầu những năm 1920 và mãi đến năm 1975. Võ tự do Việt Nam đã có những trận đấu võ đài hấp dẫn đầy kịch tính, do đòn, thế phong phú, khoa học, hiệu quả, phong cách đẹp mắt, phù hợp với người Việt Nam. Nhiều võ sư, võ sĩ của những môn phái khác nhau đã chắt lọc, tổng hợp tinh hoa và gọi là Võ tự do. Võ tự do bao hàm luôn cả ý nghĩa không bị ràng buộc phải có sự bảo trợ của võ đường hay môn phái; võ sĩ thượng đài có thể thi triển những đòn, thế sở trường của mình, mà không bị cấm đoán. (Theo nhiều nguồn tư liệu về Võ tự do). 

Đà Lạt, 18/01/2024

(*) Vovinam: Võ sư Nguyễn Lộc (1912-1960),quê Thạch Thất, Sơn Tây, sau một thời gian dài rèn luyện, nghiên cứu võ thuật, phân tích đặc điểm kỹ thuật của các môn, đặc biệt là vật và võ cổ truyền Việt Nam, để đi tới sáng tạo một hệ thống kỹ thuật võ học mới với tên gọi buổi đầu là Võ Việt Nam, hay Vovinam-Việt võ đạo. Khi nghiên cứu hoàn tất, Võ sư Nguyễn Lộc đưa Vovinam ra huấn luyện cho một số thân hữu cùng lứa tuổi vào năm 1938 và chính thức ra mắt tại Hà Nội năm 1939. Trên tinh thần “dung nạp và thái dụng”, Vovinam ngày nay phát triển vững mạnh trong nước và nước ngoài.

Đăng ngày: 29/01/2024 , 14:06 GMT+7

Tin liên quan