VĂN HÓA VÕ THUẬT ĐÔNG NAM Á
SOUTHEAST ASIA MARTIAL CULTURE
Trương Văn Bảo
Văn hóa võ thuật Đông Nam Á (Southeast Asia martial culture) là một trong những chủ đề chính để nghiên cứu, lưu giữ và phát huy của Viện Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Văn hóa Đông Nam Á.
Đông Nam Á (tiếng Anh: Southeast Asia, viết tắt: SEA) là tiểu vùng địa lý phía Đông Nam của châu Á, bao gồm các khu vực phía Nam của Trung Quốc, phía Đông Nam của tiểu lục địa Ấn Độ và phía Tây Bắc của Úc.
Đông Nam Á gồm các nước Brunei, Campuchia, Đông Timor, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanma, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam. Mỗi quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đều có bản sắc văn hóa riêng, có nền văn minh cộng với những cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp làm nên bức tranh đa màu sắc không bị trộn lẫn.
Văn hóa của Đông Nam Á phong phú và đa dạng, có ảnh hưởng của các nền văn hóa Ấn Độ, Trung Quốc, Chămpa, Khmer và nhiều quốc gia phương Tây khác, thường là các nghi lễ tôn giáo, văn hóa dân gian, nghệ thuật và kiến trúc. Khu vực Đông Nam Á còn có nhiều nền văn hóa và nghệ thuật đa dạng, bao gồm các loại hình văn hóa dân gian như ca trù, xẩm, hát chầu văn, nghệ thuật điêu khắc, lễ hội truyền thống và các hình thức nghệ thuật hiện đại như điện ảnh, âm nhạc và nghệ thuật trực tuyến.
Ngoài ngôn ngữ bản địa của từng quốc gia, ngôn ngữ được sử dụng phổ biến trong khu vực Đông Nam Á là tiếng Anh, tiếng Hoa và tiếng Mã Lai, nhưng tiếng Anh vẫn là chủ đạo vì đó là ngôn ngữ được coi là tiếng quốc tế (International language).
Về võ thuật có nhiều môn nổi tiếng trong khu vực được phổ biến rộng rãi như Bokator và Kun Khmer (Cambodia). Pencak Silat (Indonesia). Muay Lào (Lào). Arnis (Philippines). Muay Thai (Thái Lan). Võ thuật cổ truyền và Vovinam (Việt Nam) … Có nhiều môn đã thi đấu trong Đại hội Thể thao Đông Nam Á.
1. Bokator, hay L'Bokator hoặc Kun L'Bokator là môn võ thuật cổ truyền của người Khmer, những võ sĩ Bokator đã từng trở thành một thế lực cực kỳ hùng mạnh ở khu vực Đông Nam Á trong hơn 6 thế kỷ bắt đầu từ năm 800 sau Công nguyên. Người Khmer có lịch sử võ thuật lâu đời và tổ tiên của họ là những chiến binh từ thời cổ đại. Tổ tiên của người Khmer đã sáng tạo ra môn võ thuật riêng không sao chép từ các quốc gia khác. Bằng chứng còn sót lại trên bia ký và vách phù điêu trong cả nước. Thuật ngữ Bokator có nghĩa là "đánh sư tử". Từ "bok" có nghĩa là đánh hoặc đấm và từ "tor" có nghĩa là sư tử.
2. Kun Khmer hay còn gọi là Pradal Srey là môn võ truyền thống của Campuchia, có nguồn gốc từ Bokator. Trong tiếng Khmer, từ Kun có nghĩa là võ thuật. Vì thế, Kun Khmer có nghĩa là võ thuật của người Khmer.
3. Pencak Silat là một môn võ xuất phát từ Indonesia, mô phỏng theo động tác của các con vật như loài hổ (Harimau),đại bàng (Garuda) ... Ngày nay, môn võ này có rất nhiều kiểu đánh khác nhau vì mỗi Pesilat đều có thể tự sáng tác ra các động tác cho riêng mình để làm phong phú cho môn phái. Ngoài ra Pencak Silat còn được biết đến như là một trong những môn võ thuật xuất phát từ các nước Đông Nam Á, điển hình là Indonesia, Philippines và Malaysia. Tuy nhiên không phải ai cũng biết được xuất xứ của môn võ thuật này bởi chúng thường được sử dụng bởi binh lính nhiều hơn, vì thế mà nhiều người còn gọi Pencak Silat là võ nhà binh.
4. Muay Lào là một môn võ tay không truyền thống của Lào, tương tự như Kun Khmer của Campuchia và Muay Thái của Thái Lan. Môn võ này có sự kết hợp chặt chẽ giữa các động tác đấm, đá, thúc khủy tay và lên gối. Muay Lào từng được đưa vào Đại hội Thể thao Đông Nam Á năm 2009 tổ chức tại Viêng Chăn.
5. Arnis là một môn võ thuật sử dụng vũ khí của Philippines và cũng đã có mặt tại một số quốc gia Đông Nam Á dưới những tên gọi khác như Krabi Krabong hay Trumbu. Ngoài ra cũng có một số tên gọi thông dụng khác như Kali và Arnis de Mano; đôi khi người ta cũng dùng chữ viết tắt FMA. Eskrima và Arnis là tên dùng chủ yếu tại Philippines ngày nay. Tiếng Việt hiện nay gọi là võ gậy.
6. Muay Thái là một môn võ thuật cổ truyền đồng thời là một môn thể thao phổ thông của Thái Lan. Người phương Tây gọi Muay Thái là quyền Thái (Thai boxing),thực tế Muay Thái khác nhiều so với môn quyền Anh (boxing) của phương Tây. Dưới triều đại quốc vương Naresuan, tất cả binh lính đều được rèn luyện võ thuật này, xem như điển hình trong cuộc chiến tay không chống trả với địch. Không chỉ riêng Thái Lan mới có môn võ này, ở mỗi quốc gia trong khu vực Châu Á cũng có Muay, thế nhưng ở mỗi quốc gia, Muay có tên gọi khác nhau. Ở Malaysia gọi là Tomoi. Ở Indonesia gọi là Gelut Galuh; Benjang. Ở Myanmar gọi là Lethwei. Ở Lào gọi là Muay Lào. Ở Campuchia gọi là Kun Khmer.
Theo một số tài liệu ghi nhận, vào năm 1700, bộ môn này đã phổ biến và là hình thức chiến đấu cổ xưa của một bộ phận dân tộc đúc kết qua các cuộc chiến. Đến nay, vẫn chưa có minh chứng nào khẳng định được nguồn gốc thực sự của Muay và tranh cãi vẫn đang nằm trên 4 quốc gia gồm Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Lào.
7. Võ cổ truyền Việt Nam là môn võ của ngày xưa (người xưa) truyền lại. Trước đây gọi là Võ Dân tộc, Võ Ta rồi đến Võ cổ truyền. Đây là môn võ truyền thống lâu đời của người Việt đi theo dòng lịch sử Việt Nam từ ngày đầu lập quốc trong cuộc sống đời thường của người dân và trong trận mạc của các chiến binh. Nay đã có hàng trăm môn phái, hệ phái, chi phái, dòng tộc trải từ Bắc vào Nam và đã lan tỏa ra thế giới.
8. Vovinam hay Vovinam-Việt võ đạo là môn võ Việt Nam lấy võ và vật cổ truyền Việt Nam làm nền tảng cộng thêm tinh hoa một số môn võ khác của thế giới theo nguyên lý “cương nhu phối triển” trong chủ thuyết “cách mạng tâm thân” cùng phương thức “dung nạp và thái dụng”, do Võ sư Nguyễn Lộc (1912-1960),quê Sơn Tây sáng lập, huấn luyện năm 1938 và ra mắt tại Hà Nội năm 1939. Ngày nay, Vovinam phát triển vững mạnh trong nước và nước ngoài.
Kết từ: Bài viết theo chủ đề của Viện Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Văn hóa Đông Nam Á. Nội dung được tham khảo từ sách, sử, từ điển bách khoa, tài liệu về Đông Nam Á cộng với thực tiễn của người viết đi đến các nước Đông Nam Á. Phạm vi bài viết hẹp, chỉ trình bày đại cương, không thể nói đầy đủ, muốn đẩy đủ và chi tiết cần có nhiều thời gian nghiên cứu sâu để hình thành cuốn sách.
Viết tại Bình Định, 20/01/2024