Võ sư Lê Văn Thạnh - Người học trò xuất sắc của người lính Nhật trong hàng ngũ Việt Minh

Đăng ngày: 28/04/2022 , 10:00 GMT+7

Võ sư Lê Văn Thạnh sinh năm 1949 tại phường Phú Cát – thành phố Huế. Ông là võ sư môn Karate mang cửu đẳng huyền đai Karate-do Suzucho Ryu cao nhất tại Việt Nam, có nhiều đóng góp đáng kể cho bộ môn này ở Thừa Thiên - Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.

Với dáng người cao, ánh mắt trìu mến cùng nụ cười thân thiện, ông ôn tồn kể lại về con đường sự nghiệp của bản thân với bộ môn Karatedo - Suzucho. (Suzucho là tên ghép của tổ sư Choji Suzuki).

Võ sư Lê Văn Thạnh, Trưởng tràng Suzucho Karate-do tại Việt Nam

Võ sư Suzuki Choji sinh ngày 10/06/1919 tại Kasami – thành phố Tagazoshi – tỉnh Miyagiken, miền Bắc Nhật Bản. Lúc còn nhỏ tuổi cậu bé Suzuki đã theo học nhu đạo Karate và Kendo. Năm 19 tuổi, chàng trai Suzuki lên Tokyo làm việc kiếm sống và tiếp tục tập luyện, rồi dần đi sâu vào nghiên cứu về võ thuật Nhật Bản. Lúc 20 tuổi, Suzuki Choji bị động viên vào quân đội, cậu từng có mặt tại các chiến trường Mãn Châu, Mã Lai. Gần cuối năm 1944 anh sang miền Bắc Việt Nam. Sau sự kiện Mỹ ném bom nguyên tử xuống cùng hai thành phố Hirosima và Nagasaki của quê hương ông, vào tháng 8 năm 1945. Người lính Nhật Hoàng Choji Suzuki cùng một số bạn đồng ngũ xin ở lại Việt Nam tham gia mặt trận Việt Minh và chiến đấu ở Liên khu 4. Sau đó ông chuyển về Liên khu 5 phụ trách xưởng sản xuất dụng cụ y tế, hồi đó đóng ở vùng chợ Chùa và dạy những bài võ karate cho du kích Việt Minh lúc bấy giờ.

Năm 1952, ông lấy tên Việt là Phan Văn Phúc và lập gia đình với bà Nguyễn Thị Minh Lệ - nữ cứu thương của mặt trận Liên khu 5, tên thường gọi là cô Năm, quê gốc Tam Quan - Bình Định. Họ có ba người con là Phan Thị Mỹ Ngọc (Michiko Suzuki),Phan Văn Minh Đức (Tokuo Suzuki) và Phan Văn Minh Ý (Eiji Suzuki). Sau hiệp định Geneve 1954 đến tháng 11 năm 1959, ông cùng gia đình chọn thành phố Huế làm nơi định cư và truyền dạy Karate (võ Nhật) ở xứ Huế cổ kính. Năm 1960, ông thành lập võ đường Karate Ryu Dojo Noen trên đường Võ Tánh - thành phố Huế, nay là số 58 đường Nguyễn Chí Thanh.

Suốt 33 năm ở Việt Nam ông đã đào tạo ra hàng ngàn môn đệ Karate, trong đó xuất sắc hơn cả chính là võ sư Lê Văn Thạnh - người có thời gian nhiều năm bên võ sư Choji và tôn kính gọi ông là Thầy. Võ sư Thạnh có nhiều kỷ niệm sâu sắc về tổ sư người Nhật Bản, có nhiều kiến thức sâu rộng về môn Karate, cùng với những đóng góp to lớn cho nền Karate Việt Nam.

Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao tặng cho Huấn luyện viên Lê Văn Thạnh

Võ sư Lê Văn Thạnh hiện mang cửu đẳng huyền đai Karate-do Suzucho Ryu; ngũ đẳng huyền đai Karate-do Shotokan Ryu. Ông cũng là người đầu tiên và duy nhất có bốn nhiệm kỳ giữ chức Trưởng Tràng hệ phái Suzucho Karate-do. Võ sư Lê Văn Thạnh chịu ảnh hưởng của thân phụ mình từng là võ sĩ quyền anh, do đó ông đã sớm bộc lộ những căn bản của tố chất võ thuật mà bản thân học được từ thân phụ.

Vào năm 15 tuổi, chàng trai Lê Văn Thạnh tham gia tập luyện môn Karete-do và Judo tại võ đường của võ sư Suzuki Choji tại số 8 Võ Tánh - thành phố Huế. Với tố chất võ thuật thiên bẩm, anh đã lĩnh hội được những tinh hoa võ thuật từ người thầy của mình. Tháng 3 năm 1979, võ sư Lê Văn Thạnh lần đầu tiên được chưởng môn Suzuki chọn làm Trưởng Tràng đời thứ 8 của hệ phái. Song song với việc mở lớp và đào tạo võ thuật, võ sư Lê Văn Thạnh còn có những đóng góp to lớn cho bộ môn Karate của thành phố Huế, của nước Việt Nam và kể cả nước bạn Lào.

Chủ tịch liên đoàn Karatedo Châu Á tặng quà lưu niệm cho HLV Lê Văn Thạnh

Năm 1992, ông tham gia Ban huấn luyện đội tuyển Karate Quốc gia với trọng trách là huấn luyện viên để chuẩn bị cho SEA Games 17 tại Singapore vào năm 1993.

Năm 1994, ông tiếp tục làm huấn luyện viên Đội tuyển Quốc gia chuẩn bị cho Asiad tại Hiroshima - Nhật Bản.

Năm 1994 làm huấn luyện viên trưởng kiêm trưởng đoàn Việt Nam tham gia giải vô địch Thế Giới tại Kota Kina Balu - Malaysia, và lần này Việt Nam gia nhập Liên đoàn Karate-do Thế Giới.

Năm 1996 làm huấn luyện viên trưởng kiêm trưởng đoàn Việt Nam tham gia giải vô địch Karate trẻ Châu Á lần thứ 3 tại Đài Loan.

Năm 1997 tham gia ban huấn luyện tham dự SEA Games 19 tại Indonesia.

Năm 1998 làm huấn luyện viên trưởng kiêm trưởng đoàn Việt Nam tham gia giải vô địch trẻ Châu Á lần thứ 4 tại Macau.

Năm 2000 đảm nhiệm chức vụ huấn luyện viên trưởng kiêm trưởng đoàn Việt Nam tham gia giải vô địch trẻ Châu Á lần thứ 5 tại Macau.

Năm 2002 làm huấn luyện viên trưởng kiêm Trưởng đoàn Việt Nam tham gia giải vô địch trẻ Châu Á lần thứ 6 tại Nhật Bản.

Phóng viên phỏng vấn HLV Lê Văn Thạnh khi vận động viên Lào đoạt huy chương vàng Sea games 25 tại Lào

Năm 2007, ông được cử sang Lào làm chuyên gia cho liên đoàn Karate-do Lào, huấn luyện đội tuyển Lào tham gia SEA Games 24 tại Thái Lan.

Năm 2008-2009, ông tiếp tục làm chuyên gia cho bộ môn Karate Lào, huấn luyện đội tuyển Lào tham gia SEA Games 25 tại Lào. Nhờ đó võ sư Lê Văn Thạnh đã vinh dự được Chính phủ nước CHDCND Lào tặng Huân chương lao động hạng Ba với những đóng góp rất to lớn cho bộ môn Karate-do Lào.

Võ sư Lê Văn Thạnh đã được nhận nhiều bằng khen kỷ niệm của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch của UBND tỉnh và Sở Văn hóa -Thể thao & Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Hoàng Oanh.

Đăng ngày: 28/04/2022 , 10:00 GMT+7

Tin liên quan