Lễ hội Chùa Chanh Tam Phúc Tự - Mùa Xuân nhớ về Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu

Đăng ngày: 29/01/2024 , 14:10 GMT+7

Tam Đảo được biết đến là một vùng núi ở phía Bắc nước ta, là mảnh đất du lịch mà rất nhiều du khách muốn một lần đặt chân đến tham quan và khám phá. Nhưng ít người biết rằng, nơi đây không chỉ nổi tiếng về thị trấn du lịch, mà còn là nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa từ bao đời nay, mỗi khu vực ở đây đều có những nét đặc trưng riêng biệt và đặc biệt, nó gắn liền với những chiến tích lịch sử lâu đời của dân tộc ta.

Nằm ở vị trí nông thôn, cách chân núi Tam Đảo khoảng 7km, Thôn Làng Chanh, thuộc xã Tam Quan, với cái tên làng khá đặc biệt mà mọi người thường truyền tai nhau theo cách nói vui vẻ rằng: “Do làng trồng nhiều chanh nên được gọi là làng Chanh”. Nơi đây luôn mang nét đẹp yên bình và tĩnh lặng, tình làng nghĩa xóm, đoàn kết và luôn có ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc, những dấu ấn lịch sử qua một số hoạt động sinh hoạt, lễ hội. 

Một trong những hoạt động truyền thống nơi đây phải kể đến đó là lễ hội mùa xuân, được tổ chức vào dịp ra Tết. Đây cũng là một hoạt động có nguồn gốc gắn liền với những nhân vật trong lịch sử của đất nước. Tương truyền rằng Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu được Hùng Chiêu Vương thứ 7 lập làm Chính Vương Phi, có công giúp vua dẹp giặc, mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc. Xong việc nước, bà lại trở về quê hương tại huyện Tam Đảo ngày nay, rồi “hóa” tại đây. Về sau, người dân thôn làng Chanh lập đình rước bà về và thờ tại thôn, để mọi người và các con, các cháu ghi nhớ công ơn của Người. 

Hằng năm, dân làng chọn ngày 12 tháng 2 âm lịch là ngày để tưởng nhớ công ơn của Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu và cũng là dịp lễ hội để mọi người trong xóm quây quần bên nhau. Cứ vào ngày này trong năm, người dân thôn làng Chanh lại tất bật cùng nhau chuẩn bị cho một ngày lễ diễn ra thật trọn vẹn được tổ chức tại ngôi chùa trong làng- chùa Chanh Tam Phúc Tự.

C:\Users\user\AppData\Local\Temp\ksohtml7976\wps1.jpg

Lễ hội mùa xuân tại đình chùa làng Chanh 12/2/2019

Thông thường, trước hôm diễn ra lễ hội vài ngày, những người cán bộ trong thôn sẽ đi vận động mọi người đóng góp, hoặc người dân sẽ tự chủ động đến nhà văn hóa để đóng tiền cùng nhau chuẩn bị đồ đạc cho ngày lễ. Buổi sáng ngày 12, tất cả bà con xóm làng sẽ dành thời gian tới tập trung tại sân đình, sân chùa để cùng nhau nấu ăn. Phụ nữ sẽ nấu nướng, còn nam giới sẽ làm những việc dùng sức nhiều hơn như vác bàn ghế, dựng phông bạt và chuẩn bị loa đài. Mỗi người một tay, dân làng có nhiều cô bác lâu ngày mới gặp nhau do đi làm ăn xa nên tám chuyện xôn xao, những tiếng cười vang tạo nên không khí xuân rất ấm cúng và sôi động. Những người cao tuổi sẽ ngồi lại têm trầu cau mời nhau, thưởng thức trà và hồi nhớ lại những câu chuyện xưa cũ. Xong xuôi mọi thứ sẽ là lễ tế đình, một nghi thức không thể thiếu trong lễ hội ngày xuân của bà con nơi dây. Các cụ cao tuổi trong làng sẽ mặc quần áo đỏ, làm lễ dâng hoa quả, bánh kẹo, xôi gà vào trong đình, chùa thắp hương dâng lên Thánh, lên Mẫu để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các tiền nhân đã có công với làng. 

C:\Users\user\AppData\Local\Temp\ksohtml7976\wps2.jpg

Lễ tế đình chùa Tam Phúc Tự 2019

Và buổi sáng sẽ kết thúc bằng những tiết mục giao lưu văn nghệ đặc sắc giữa các thế hệ trong làng và thậm chí là cả những xóm bên cũng hòa chung không khí, góp phần thêm nhộn nhịp bằng những tiết mục múa, ca hát…Cuối cùng, tất cả bà con dân làng sẽ ngồi lại để tụ họp quây quần với nhau bên những mâm cơm đầm ấm, đạm bạc nhưng tràn đầy niềm vui và những câu chuyện còn chưa kể hết, hỏi thăm sức khỏe, công việc của nhau và mục tiêu trong năm tới…

C:\Users\user\AppData\Local\Temp\ksohtml7976\wps3.jpg

Giao lưu văn nghệ hội làng Chanh 2019

Đáng nhớ nhất và cũng là phần sôi nổi nhất trong ngày lễ phải kể đến những hoạt động tổ chức vào buổi chiều. Đó là lúc những trò chơi dân gian được diễn ra, bà con dân làng được dịp chung sức gắn kết với nhau hơn, được tắm mình trong không khí đầm ấm của tình làng nghĩa xóm, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc và rèn luyện sức khỏe. Khoảng sân rộng phía trước đình, chùa được chia ra thành những khu khác nhau cho mỗi loại trò chơi như cầu lông, đánh bóng chuyền, kéo co, bịt mắt bắt dê, và đắc sắc nhất có thể kể đến trò bịt mắt bắt vịt… Mỗi năm sẽ mỗi khác, các thể loại trò chơi cũng đa dạng hơn làm thay đổi không khí cho từng năm. Mọi người dân bất kể lứa tuổi già, trẻ, gái, trai đều có thể đăng kí để tham gia bất kì môn thể thao hoặc trò giải trí nào mà họ có hứng thú. Bà con nơi đây luôn chơi hết mình, xung quanh luôn là tiếng hò reo cổ vũ động viên và những tiếng cười tràn đầy niềm vui của dân làng. 

Và tất nhiên, kết thúc lễ hội, người dân không chỉ đem về được phần quà chiến thắng mà hơn thế nữa, ai ai cũng đều mang về cho gia đình mình những món quà tinh thần đầy ý nghĩa, những câu chúc nhau đầu năm mới ngọt ngào đầy ấm áp của tình làng nghĩa xóm. Người người cùng nhau ra về trong không khí hứng khởi pha chút tiếc nuối những giây phút còn lại của dịp hội ngộ và mong chờ được tụ họp trong những năm tiếp theo…

C:\Users\user\AppData\Local\Temp\ksohtml7976\wps4.jpg

Bà con vui vẻ ra về sau lễ hội - năm 2019

Lễ hội mùa xuân luôn mang ý nghĩa sâu sắc, có một vị trí đặc biệt trong cuộc sống của người dân thôn làng Chanh. Nó không chỉ đơn thuần là dịp để những người con đi làm ăn xa và bà con dân làng hội tụ, gặp gỡ giao lưu hỏi thăm nhau sau một năm bôn ba vất vả kiếm sống mà còn là khoảng thời gian quý báu giúp người dân có những giây phút thư giãn, thoải mái tinh thần để chuẩn bị bước sang một năm mới, tạo tâm thế vững tin với những thử thách và cuộc sống mưu sinh sắp tới. Mùa lễ còn là dịp để con người nơi đây nhớ về cội nguồn, về truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” quý báu của dân tộc. Lễ hội mùa xuân nơi đây còn mang ý nghĩa lịch sử, nhắc nhở chúng ta, những người con đất Việt phải có tinh thần đoàn kết để chống giặc, bảo vệ tổ quốc, giữ vững nền độc lập dân tộc. 

Đã nhiều thế hệ trôi qua, thôn Làng Chanh vẫn luôn giữ gìn và bảo tồn được nét văn hóa truyền thống này. Vì họ biết rằng, hội làng là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, làm cho thế hệ hôm nay thấu hiểu, tri ân đối với công lao của tổ tiên, hun đúc thêm tinh thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc.

Ng.Thúy Hiền

Đăng ngày: 29/01/2024 , 14:10 GMT+7

Tin liên quan