Võ sư Tôn Văn Chương: Y - Võ song toàn

Đăng ngày: 11/11/2022 , 21:54 GMT+7

Bằng niềm đam mê và tâm huyết với võ thuật, võ sư Tôn Văn Chương đã nguyện gắn bó cuộc đời mình với những đường quyền, thế võ, và những môn sinh yêu võ thuật. Chính bởi niềm đam mê ấy như dòng máu chảy trong cơ thể từng giây từng phút, ăn sâu vào tâm thức như một lẽ tự nhiên nên võ sư Tôn Văn Chương luôn đau đáu trong lòng được thấy võ thuật cổ truyền Việt Nam phát triển từng ngày. Ông mong muốn một ngày nào đó thấy võ cổ truyền của dân tộc được sánh vai cùng các môn phái võ nổi tiếng trên thế giới và được nhiều người biết đến. Lòng mong mỏi ấy của ông không chỉ ở trong suy nghĩ mà ông bắt tay ngay vào việc đặt những viên gạch đầu tiên cho môn phái Tôn gia phái để thực hiện ước mơ của mình.

Võ sư Tôn Văn Chương

Chặng đường nuôi dưỡng đam mê

Võ sư Tôn Văn Chương sinh năm 1961  người gốc Nam Định, sau đó ông chuyển lên Hà Nội cùng gia đình khi vừa tròn 1 tuổi. Xuất thân trong gia đình nề nếp gia phong, có ông ngoại là cụ Lê Văn Đang cụ là chủ hãng thuốc lào Thuận Đức có tiếng thời bấy giờ tại đất Nam Định.

Cụ Lê Văn Đang là một người giỏi võ với tính cách trượng nghĩa, mang cốt cách của một con nhà võ chân chính gắn với nhiều giai thoại, màu sắc của một hảo hán đương thời: Chuyện kể rằng hồi đó mỗi lần cụ Lê Văn Đang nghe thấy ở đâu có bọn cướp bóc dân lành, ngay lập tức cụ đến tận nơi dẹp loạn bọn lưu manh. Cũng chính vì vậy đã chặn đường làm ăn bất lương thất đức của bọn chúng nên chúng đã thù hằn mà đốt nhà cụ đến dăm ba lần, nhưng càng đốt cụ lại càng dẹp nạn cướp bóc của lũ lưu manh côn đồ nhiều hơn. Điều đó thể hiện được một trong nhiều đức tính tốt đẹp trong con nhà võ.

Nói đến võ sư Tôn Văn Chương, khi còn nhỏ cậu đã có tướng mạo khôi ngô tuấn tú với tính cách hoạt bát, ham đọc sách, luôn hứng thú với mọi điều mới lạ xung quanh. Năm 15 tuổi, chàng thiếu niên bắt đầu có niềm đam mê với võ cổ truyền Việt Nam (võ cổ truyền Việt Nam thời bấy giờ được gọi là võ Ta để phân biệt giữa võ Ta và võ Tàu).

Võ sư có niềm đam mê với võ cổ truyền Việt Nam

Chàng thiếu niên Tôn Văn Chương học và tập luyện võ cổ truyền cùng với những người anh em ruột của mình, những người anh ruột ấy được thừa hưởng một phần võ thuật cổ truyền từ ông ngoại truyền lại trong gia đình, một phần là từ những miếng đánh thế võ được học trong dân gian rồi chỉ bảo kèm cặp cho cậu em trong nhà. Thụ giáo những tinh hoa võ công và thừa hưởng một “ gia sản võ” khổng lồ từ gia đình mà võ sư Tôn Văn Chương đã nhanh chóng bộc lộ và phát huy năng khiếu võ học thiên bẩm của mình.

Trải qua những năm tháng rèn cước luyện quyền, với những chấn thương khi tập luyện cùng nước mắt, mồ hôi nhưng chàng thiếu niên Tôn Văn Chương năm đó vẫn không nản chí mà càng ngày càng hăng say tập luyện.

Năm 1983, chàng trai Tôn Văn Chương có cơ duyên gặp thầy Dũng thuộc môn phái Sơn Đông Bắc Phái (thầy Dũng người phố Huế tại Hà Nội. Nhân duyên xuất phát từ việc gặp gỡ do người anh ruột của mình giới thiệu vì là bạn thân của anh trai). Những năm tháng được thầy Dũng chỉ dạy, kèm cặp, bổ xung thêm cho chàng trai Tôn Văn Chương về thể lực tráng kiện, công phu kỹ lưỡng, tạo thêm một nền tảng tốt cho một vị võ sư tài năng sau này.

Đến năm 1984, chàng thanh niên Tôn Văn Chương tiếp tục tầm sư học nghệ bái thêm thầy Trịnh Quốc Định thuộc phái Vịnh Xuân Quyền (dòng cụ Phùng) nức tiếng Hà thành. Thầy Trịnh Quốc Định có tiếng là đôi bàn tay vàng của giới Vịnh Xuân đất Hà Nội.

Trải qua thời gian được thầy chỉ giáo, cùng với sự lỗ lực, niềm đam mê võ thuật của bản thân nên công phu ngày càng tiến bộ đáng kể.

Ngoài việc được thầy chỉ giáo kèm cặp võ sư còn về tự mày mò luyện tập phân tích các đòn thế, miếng đánh, ngọn cước, đòn quyền sao cho phù hợp với sở trường và tự sáng tạo thêm các chiêu thức nhằm phù hợp với bản thân. Điều đó chô thấy võ sư Tôn Văn Chương – một vị võ sư mang trong mình sự nhiệt huyết vô cùng lớn lao, luôn luôn không ngừng học hỏi.

Vào năm 1987, sau nhiều năm tôi luyện và đúc kết những tinh hoa của võ thuật, võ sư Tôn Văn Chương chính thức thành lập môn phái : Tôn Gia Phái với tôn chỉ lấy võ thuật làm kim chỉ nam định hướng cho các học trò, rằng ngoài việc tập luyện võ thuật thì còn phải cần tu dưỡng Đạo Đức con người, đó mới là giá trị cốt lõi. Với nhiều năm đứng trên võ đường giảng dạy, ông đã đào tạo hàng ngàn võ sinh trên khắp miền của đất nước về bái sư học Võ rèn Đạo.

(Địa điểm tập luyện của môn phái: Tôn Gia Phái nằm tại số 8, ngõ 8, phố Hương Viên, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.)

Y võ khí công 

Đến năm 1991, võ sư có cơ duyên với y thuật từ sự lĩnh hội của bản thân. Võ sư Tôn Văn Chương nhận thấy rằng võ thuật dân tộc ngoài rèn luyện thể chất ra thì trong võ cũng chính là phương thuốc chữa và điều trị bệnh rất hiệu quả.

“Bệnh nhẹ mà tâm bi quan hóa nặng. Bệnh nặng mà tâm lạc quan thì bệnh gì cũng đỡ “ là lời nhắn gửi đến những bệnh nhân của mình mà võ sư Tôn Văn Chương từng nói.

Với những lần tập luyện, một số học trò bị chấn thương đã được võ sư điều trị nắm chỉnh xương khớp và hiệu quả rất bất ngờ và cơ duyên với y thuật nảy nở từ đó.

Võ sư Tôn Văn Chương là một trong số ít những người có tài khi chữa bệnh không phụ thuộc nhiều vào thuốc. Đây là một hướng phát triển rất mới của y học hiện đại. Để làm tốt phương pháp điều trị này, đòi hỏi người thầy thuốc phải có một công năng đặc biệt, được trau rèn qua thời gian. Trên thực tế, phương pháp chữa bệnh bằng khí công trị liệu mang lại hiệu quả rất lớn cho người bệnh, không những giúp giải quyết tận gốc căn nguyên gây bệnh mà còn tránh được những tác dụng phụ khi sử dụng thuốc.

Vó sư thăm khám và chữa bệnh cho bà con vùng cao

Trong gần 30 năm qua (từ năm 1991),ông đã âm thầm và miệt mài chữa khỏi cho rất nhiều ca bệnh. Điểm đặc biệt trong phương pháp chữa bệnh này chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các phương pháp truyền thống và các thiết bị y học tân tiến hiện đại.

Với những căn bệnh xương khớp như thoái hóa đốt sống cổ, tê buốt tứ chi, cong vẹo cột sống, thoát vị đĩa đệm.. ngoài việc sử dụng phương pháp khí công trị liệu tác dụng trực tiếp vào từng bộ phận cơ thể thì võ sư Tôn Văn Chương còn nhờ đến sự hỗ trợ của một số máy móc chuyên dùng như: máy đo huyết áp, súng nhiệt kế…để nâng cao tối đa hiệu quả chữa bệnh. Trên thực tế, có đến hơn 90%  người bệnh đã khỏe mạnh lại khi được sử dụng phương pháp chữa bệnh thần kì này.

Hình ảnh võ sư Tôn Văn Chương đang chữa bệnh xương khớp cho bệnh nhân

Không chỉ là người có chuyên môn giỏi, mà võ sư Tôn Văn Chương còn là người có tấm lòng cao đẹp, trượng nghĩa, là một minh chứng sống cho câu nói Lương y như từ mẫu.

Trong suốt quãng đời trị bệnh cứu người, ông đã luôn nhiệt tình cứu giúp, dốc hết sức mình để chăm lo cho sức khỏe của người bệnh. Thậm chí, võ sư Tôn Văn Cương còn nhận chữa miễn phí cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Chữa bệnh phải chữa từ tâm là phương châm trị bệnh của võ sư Tôn Văn Chương. Phương châm này nhắc nhở người bệnh phải thật lạc quan và tin tưởng vào phương pháp chữa bệnh, vì không có ai hiểu bản thân người bệnh bằng chính họ được. Vừa giữ vững tinh thần lạc quan và kết hợp với phác đồ điều trị của thầy thuốc thì chắc chắn rằng bệnh nhẹ sẽ khỏi, và bệnh nặng sẽ thuyên giảm đi ít nhiều.

Với cái tài, cái tâm của võ sư Tôn Văn Chương là những nhân tố quý báu cho những giá trị về sự phát triển võ cổ truyền dân tộc, với đạo đức từ y thuật để dùng vào việc điều trị giúp đỡ mọi người mang lại những giá trị nhân văn cho cộng đồng và xã hội.

Người ta bảo, mỗi người đều có “cơ duyên” đến với sự nghiệp mà học, theo đuổi, đắm đuối. Cuộc đời của Võ sư Tôn Văn Chương là minh chứng rõ ràng cho câu nói đó. Dù đã hơn 60 tuổi nhưng tình yêu, sự đam mê dành cho Y- Võ vẫn nồng nàn ,vẹn nguyên. Bởi võ thuật, y thuật đối với ông không đơn giản là “ Y - Võ” mà nó chính là cái “Đạo” của cuộc đời mình.

Ngọc Linh.

Đăng ngày: 11/11/2022 , 21:54 GMT+7

Tin liên quan