Đại Võ Sư Quốc Tế Trương Văn Bảo: Dành trọn cuộc đời với sự nghiệp phát triển võ cổ truyền dân tộc

Đăng ngày: 29/04/2022 , 21:19 GMT+7

Dành trọn cuộc đời cống hiến cho nền võ thuật dân tộc nước nhà với nhiều thành tựu đáng kể, đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo còn là người có nhiều công trình nghiên cứu với hàng chục cuốn sách, hàng trăm bài viết do chính ông là tác giả, đồng tác giả, dịch giả. Ông là một trong những võ sư có số lượng bài viết về “Võ cổ truyền dân tộc” được đăng tải nhiều nhất trên các tạp chí quốc tế. Ngoài ra, ông cũng là giảng viên Anh ngữ; Chưởng môn Thiếu Lâm Phật Gia Quyền; Sư trưởng võ đường Trần Hưng Đạo - Đà Lạt; Chủ tịch liên đoàn võ thuật cổ truyền tỉnh Lâm Đồng; Phó chủ tịch liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam - Trưởng ban quan hệ quốc tế; Phó chủ tịch hội đồng võ sư quốc gia; Phó ban chuyên môn - kỹ thuật liên đoàn Châu Á võ cổ truyền Việt Nam.

Con đường võ nghiệp và đam mê

Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo sinh ngày 15/5/1950 tại Sài Gòn. Ông cùng gia đình chuyển lên Đà Lạt sinh sống lúc vừa tròn 3 tuổi, xuất thân trong gia đình có cảnh khó khăn nên nhận thức về cuộc sống của ông có thể nói là trưởng thành hơn hẳn so với bạn bè đồng trang lứa. Chính vì vậy nên ông bén duyên với võ cổ truyền từ khi còn rất nhỏ. Ngày đó Võ cổ truyền dân tộc được gọi là “Võ Ta” để phân biệt với “Võ Tây” và “Võ Tàu”.

Năm lên 8 tuổi tại Cô Giang - Đà Lạt, ông bắt đầu tập luyện Võ Ta và Quyền Anh với Võ sư Nguyễn Ngọc Ẩn gốc người miền Tây Nam Bộ; Tập nhu đạo (JuDo),Nhu thuật (Jujitsu) với Võ sư Nguyễn Văn Bảo cùng rất nhiều bộ môn võ khác nhau lúc bấy giờ. Năm 1968, ông bén duyên với Thiếu Lâm Phật Gia Quyền và được thượng tọa Thích Từ Mãn khai ngộ. Với sự đam mê, ham học hỏi và nghiêm túc trong tập luyện, trình độ của ông ngày càng tiến bộ đáng kể. Đến năm 1970 ông bắt đầu tập luyện và thi đấu đỉnh cao. Năm 1973 ông bắt đầu dạy võ cổ truyền.

Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo

Võ cổ truyền dân tộc đã mài dũa cho ông sự mạnh mẽ, sức chịu đựng dẻo dai và tính kiên trì bền bỉ. Đó cũng là yếu tố tiền đề để sau này chính ông là một trong những võ sư có Tâm – Sức, đóng góp đáng kể cho sự nghiệp phát triển Võ cổ truyền dân tộc đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Năm 1993 Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo tham gia Hội võ thuật cổ truyền và Liên đoàn võ thuật tỉnh Lâm Đồng. Năm 1994 ông tham gia vào Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam.

Với kho tàng kiến thức võ học phong phú, sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa, ông đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng của các học trò. Trong nhiều năm qua Võ đường Trần Hưng Đạo của ông đã đào tạo hàng ngàn môn sinh, trong đó có không ít môn sinh từ nước ngoài đến để tập luyện võ cổ truyền dân tộc. Trên sàn tập Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo rất nghiêm khắc, ông đòi hỏi học trò phải học tập hết sức, phải đổ mồ hôi. Nhưng ở ngoài sân tập, ông dạy các môn sinh phải lấy tình hữu ái làm đầu, môn sinh không được phép sử dụng võ để hại người, hại mình.

Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển Võ cổ truyền dân tộc đến với bạn bè trong nước và quốc tế

Không đóng khung trong việc dạy và học, ông còn là người sẵn sàng tiếp cận với những môn võ khác. Ngoài sở trường Võ cổ truyền, ông còn tìm hiểu về các nền võ học trên thế giới. Với ông “Võ học rộng vô bờ, có cùng một gốc như nhiều nhánh cây cùng một cội, người học võ cũng cần có tấm lòng và cái nhìn mở rộng, không nên cố chấp vào cái tôi quá mà dễ dẫn tới sai lạc tinh thần võ thuật”.

Ngoài trình độ thập đẳng (10 đẳng, đẳng cao nhất) bộ môn võ thuật cổ truyền Việt Nam, Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo còn là huấn luyện viên và có nhiều bằng cấp chứng nhận trình độ võ thuật cấp độ lục, thất, bát đẳng của nhiều môn võ thuật nổi tiếng trên thế giới như: 8 đẳng World Taeckwondo (Hàn Quốc),8 đẳng World Zen Do Ka Karatedo (Nhật Bản),7 đẳng Combat Kickboxing (WZKKA _ Mỹ),6 đẳng Jujitsu (Brazil).

Đưa võ cổ truyền ra thế giới 

Với lòng tự hào dân tộc, ngoài sự tham gia đóng góp nhiệt tình vào các hoạt động của võ thuật tỉnh Lâm Đồng, liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam. Võ cổ truyền Việt Nam còn được đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo đưa tới rất nhiều những liên hoan, đại hội võ thuật quốc tế, những cuộc thi võ toàn thế giới và được đông đảo bạn bè quốc tế đón nhận. Những lần đi nước ngoài để dạy võ, ngoài việc dạy về các kỹ thuật võ cổ truyền dân tộc ông còn truyền cảm hứng cho các học trò nước ngoài về văn hóa, lịch sử đặc sắc của người Việt Nam, với truyền thống quật cường của dân tộc. Nhiều người nghe ông giảng giải tỏ ra yêu thích Võ cổ truyền Việt Nam, yêu mến văn hóa và con người Việt Nam, trong đó có rất nhiều các vị võ sư của nhiều nước trên thế giới mến mộ và học Võ cổ truyền từ ông.

Ngoài việc dạy học trực tiếp, ông còn là tác giả của hàng trăm bài báo, hàng chục cuốn sách võ thuật cổ truyền Việt Nam

Ngoài việc dạy học trực tiếp, ông còn viết tới hàng trăm bài báo, hàng chục cuốn sách võ thuật dân tộc góp phần đáng kể nhằm phổ biến về chuyên môn của Võ cổ truyền Việt Nam, được đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế đón nhận. Và đặc biệt là vị Tổng biên tập tạp chí võ thuật Pháp - Ông Ludovic Mauchien đã từng nói: “Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo là người viết sách về võ cổ truyền Việt Nam rất sâu sắc, suốt cuộc đời rong ruổi trên con đường võ thuật hầu mong làm rạng danh Võ cổ truyền Việt Nam, rạng danh nền võ học đã có hơn 4000 năm lịch sử mà ông đã tin, yêu và nguyện gắn bó”.

Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo chia sẻ thêm về một số các học trò, các vị khách nước ngoài đến tập võ, có những người trình độ thạc sỹ, tiến sỹ, thậm chí phó giáo sư. Họ đến từ nhiều nước khác nhau như: Mỹ, Pháp, Canada, Đức, Ý, Hàn Quốc, Ma-Rốc, Algeria v...v...  Họ rất nghiêm túc, cầu thị, gọi ông bằng “Thầy” một cách trân trọng. Ông tự hỏi: “Họ giỏi rồi thì học gì ở mình?”, và rồi sau những năm tháng tiếp xúc với họ ông đã giải mã được điều họ muốn. Đó là vì sự yêu mến nền văn hóa, lịch sử Việt Nam, gắn liền với những câu chuyện về các bậc tiền nhân làm rạng danh nước nhà, trải suốt quá trình đấu tranh, giành độc lập của dân tộc, họ rất thích. 

Trên con đường sự nghiệp truyền bá võ thuật dân tộc, Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo được các cấp lãnh đạo, các ngành đánh giá rất cao. Ông cũng đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý từ các cấp chính quyền. Đó cũng là tấm lòng, niềm mong ước của vị Đại võ sư quốc tế đáng kính, với niềm mong mỏi làm rạng danh võ thuật cổ truyền dân tộc, rạng danh nền võ học đã có hàng nghìn năm lịch sử.

Hoàng Oanh.

Đăng ngày: 29/04/2022 , 21:19 GMT+7

Tin liên quan