Trường đời vốn dĩ đầy khắc nghiệt, chông gai, gian nan và thử thách bởi chúng sanh hiện hữu trên đời đều chịu sự chi phối của nhân quả nghiệp duyên gieo tạo thì những ai có tâm nguyện bước đi trên con đường giác ngộ lại càng khó bội phần. Đó là phải tự thắp đuốc mà đi, y theo Diệu Pháp Như Lai mà tu hành, trau Tâm bồi Đức phổ chiếu Từ Bi, xã ly ngũ dục, sống đời thiểu dục tri túc - nhiêu ích chúng sanh. Hành giả tu Phật nếu không thể “Tự độ” được chính mình thì làm sao có thể độ được chúng sanh, tự xưa nay không có lý này!
Vì vậy, Đạo Phật không phải là đạo mê tín, cúng kiến, cầu xin... Chư Phật càng không phải là Thần Thánh ban ơn giáng họa hay thỏa mãn cho dục vọng thấp hèn tham-sân-si của chúng sanh… Người Phật tử nếu Tín tâm chưa “Chánh”, Chánh Kiến chưa khai thì tại sao Tăng lữ không một lòng khuyên độ, để nhiễu cảnh mê tâm hành mê sự diễn ra bát nháo từ chùa chiền cho đến tư gia làm mai một và biến tướng Đạo Phật (Lấy tiền dán lên tượng Phật cầu mong tài lộc may mắn, đưa tay rờ tượng Phật rồi vuốt lên đầu mình mong sức khỏe bình an…)? Thật là xót xa!
Mọi sự ở đời, cả trong tu Đạo đều thuận theo luật Nhân-Quả nghiệp báo công bằng, không ai có thể mảy may “Lọt” khỏi. Nếu gieo nhân dữ không dứt ắt đọa lạc khổ não triền miên; nếu gieo nhân lành không ngừng hiển nhiên được hanh thông an ổn, nghiệp dẫu nặng cũng hóa nhẹ, nhẹ trở về không; nếu gieo nhân giải thoát nơi Phật đạo chơn-như tất sẽ được liễu sanh thoát tử trong mai hậu. Tu Phật chính là tu tâm! Tâm chí thành tu hành chơn chánh lẽ tất nhiên sẽ cảm ứng chư Phật khắp 10 phương, dẫu thắp nén tâm hương trước Phật đài mà tịnh khẩu chẳng khởi một lời thì Chư Phật vẫn chứng tri cho lòng thành đệ tử. Còn ngược lại, dù có đọc tụng thao thao Kinh điển, dù có tán thán ca ngợi công đức vô lượng vô biên của Chư Phật mà lòng phàm bất tịnh, xem việc cúng dường hương - hoa - quả dâng lên Chư Phật như là một cuộc hối lộ, đổi trác bán mua, khấn nguyện cầu xin được: TÀI LỘC, KHỎE MẠNH, SỐNG LÂU; SỰ NGHIỆP ĐƯỢC THÀNH CÔNG MỸ MÃN; GIA ĐẠO ĐƯỢC GIÀU SANG, SUNG SƯỚNG; CON TRẺ ĐƯỢC KHÔN NGOAN, HỌC GIỎI; THÂN TÂM ĐƯỢC AN LẠC… thì đó là mê - tham, là tà kiến, mê tín. Theo Nhân Quả, chẳng những sự không được như ý muốn tham cầu đã đành mà nghiệp nhân MÊ BỒI MÊ từ sự khấn nguyện trái Đạo, từ tâm TÀ KIẾN BẤT TỊNH ấy ắt sẽ lãnh lấy quả ngày càng rời xa Chánh Đạo, dễ rơi vào nẻo Tà mị mai sau. Mong mọi người hãy tự cảnh tỉnh!
Thế gian vạn sự vô thường, ai rồi cuối cùng cũng một nấm mồ chung cuộc, hà tất tham cầu thủ giữ mà chi cho lao nhọc thân tâm. Sao không trước đại sự sanh tử luân hồi của mình và muôn vạn chúng sanh thoáng như bóng câu qua cửa mà khởi tâm Bồ Đề kiên cố, trưởng dưỡng Từ Bi Hỷ Xã, tu hành chơn chánh không màng sanh tử, gieo nhân giác ngộ giải thoát trước Phật Đài 10 phương thì dù là cư sĩ tại gia hay tu sĩ xuất gia đều tất nhiên được TRANG NGHIÊM - PHẬT ĐỘ, nghiệp lực nhiều đời do đó cũng được tịnh hóa không ngừng tùy tâm lượng và đạo hạnh huân tu tinh tấn theo thời gian, quả lành ắt sẽ được kiến tánh vô sanh trong mai hậu. Từ đó mà kế thừa hạnh nguyện chư Phật, hoằng truyền Phật Pháp, hóa độ tổ tiên gia đạo, thân tín bao đời nói riêng cũng như muôn vạn chúng sanh chung đồng ngộ Tánh Giác thì thật quý báu vô cùng. Nhân nào - Quả nấy! Mong người người hãy nghiệm kỹ xét suy mà thấu lý tỏ tường, từ đó nỗ lực tiến tu tịnh tam nghiệp của mình, quyết không nghĩ không hành nghiệp trái Lý trái Đạo nữa. Nếu có khấn nguyện thì tuyệt không xin xỏ mong cầu điều gì vị kỷ phàm tục của thế gian như đã nói ở trên, càng không khởi tâm phàm bất tịnh trước Phật đài tôn quý. Có chăng chỉ nên vì lòng Từ Bi mà khấn nguyện lành trước nỗi khổ tha nhân, mong sao cho khắp Pháp giới chúng sanh đều tin sâu nhân quả, gieo kết nhiều thiện duyên với Phật Pháp, an trú trong Diệu Pháp Như Lai, tinh tấn tu hành mãi cho đến khi kiến ngộ Phật tánh... !