Tương Bần - Tinh hoa độc đáo chinh phục ẩm thực Việt

Đăng ngày: 29/01/2024 , 14:23 GMT+7

Tương truyền, Tương Bần có nguồn gốc từ thời kỳ vua Lý Thái Tổ (năm 1010-1028),vị vua đầu tiên của triều đại Lý. Vào một đêm trăng tròn, khi vua Lý Thái Tổ đang trên đường trở về từ cuộc chiến, ông đã ghé vào một ngôi làng nhỏ. Và cái tên "Tương Bần" cho là được đặt theo tên một bà cụ nghèo mà vua Lý Thái Tổ gặp trong ngôi làng. Khi Vua ghé thăm, bà cụ đã chia sẻ với ông công thức làm tương từ đậu nành. Vua thấy rất hứng thú với công thức ấy nên đã quyết định đặt tên món tương là "Tương Bần" để tưởng nhớ bà cụ. Còn Tương Bần của làng Bần Yên Nhân (Hưng Yên) đã xuất hiện và nổi tiếng từ thế kỷ XIII, phát triển nhất lúc nhà Lý rời đô ra Thăng Long. Thời ấy, Hưng Yên có hai đặc sản mang đi tiến vua đó là tương bần và nhãn lồng. Tương cũng từng xuất hiện trong kho tàng truyện dân gian của Việt Nam ta với câu truyện “Ăn Mầm Đá”. Khi Chúa Trịnh đã chán hết “của ngon vật lạ” trên đời nhưng lại bị Trạng Quỳnh chinh phục bởi món ăn dân dã “rau muống chấm tương” – Món ăn giản dị của cư dân đồng bằng Bắc Bộ. 

Ăn

Chúa Trịnh bị chinh phục bởi món rau muống chấm tương (Ảnh: Theo kho tàng truyện cổ Việt Nam)

Mà tương ngon thì phải nhắc tới Tương Bần. Có nhiều người vẫn lầm tưởng rằng tương Bần là một cách gọi của món tương nói chung nhưng thực chất Tương Bần phải là tương được làm tại làng Bần Yên Nhân - Thị xã Mỹ Hào - Tỉnh Hưng Yên. 

Thị xã Mỹ Hào

Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 30km về phía Đông, làng Bần thuộc đồng bằng sông Hồng với những dải đất phù sa phì nhiêu màu mỡ. Nơi đây khí hậu thuận hòa, đất có độ phì nhiêu cao nên rất thuận lợi để trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm. Trong vụ mùa, người dân thường xen canh một số hoa màu khác như: ngô, khoai, lạc, đỗ tương... Và cứ như vậy, những hạt đỗ tương và gạo nếp thơm đã được người dân nơi đây tận dụng, sáng tạo dựa trên những tinh hoa đất trời ban tặng ấy để tạo ra nước chấm thơm ngon, đó chính là Tương Bần. Dù rất quen thuộc với thứ nước chấm này nhưng người làng Bần đều không hay biết ai là người đầu tiên truyền dạy cách làm tương trong vùng. Nhưng điều ấy cũng chẳng còn quan trọng nữa vì những giọt tương thơm ngon vàng óng đều được làm bởi bàn tay của những người nông dân cần cù chịu thương chịu khó nơi đây. Các bà, các mẹ tần tảo sớm hôm, sử dụng hết tâm huyết và tình yêu để tạo ra một thứ nước chấm thơm ngon giản dị nhường ấy. Bởi vậy, những người con xa quê luôn nhung nhớ tới hương vị mộc mạc này. Đó không chỉ đơn giản là món ngon hay đặc sản, nó còn là tình yêu thương và công sức, sự ấm áp, chân tình gần gũi giữa người với người:

“Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”

Tương Bần phải là tương được làm tại làng Bần Yên Nhân - Thị xã Mỹ Hào - Tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: Đăng Anh - Vinh Phạm) 

Vì thế mà tương Bần không chỉ là gia vị mộc mạc, đậm chất quê hương mà còn là “mỹ vị” đặc trưng của vùng đất ven sông Hồng. 

Để làm được một mẻ tương ngon rất cầu kỳ, cần dựa trên nhiều yếu tố như nguyên liệu, kinh nghiệm và thời tiết. Nguyên liệu để làm Tương Bần phải là gạo nếp cái hoa vàng, đỗ tương thơm ngọt do người dân tự trồng. Gạo nếp được đem ngâm rồi nấu chín thành xôi sau xới ra nong hoặc nia để hai ngày hai đêm cho xôi lên mốc. Sau đó đem ra xoa đều cho các hạt xôi tơi. Đỗ tương được rang vàng đều rồi đem xay nhỏ và ngâm trong chum sành với nước từ bảy đến mười ngày. Dùng nước đỗ ngâm này tưới lên mốc và trộn thật đều rồi để tiếp một ngày một đêm nữa cho xôi lên mốc vàng. Tiếp đó cho mốc vào chum đỗ đã ngả vàng cùng muối tinh với lượng phù hợp và khuấy đều rồi phơi ngoài trời nắng. Thời tiết là một phần rất quan trọng quyết định đến chất lượng tương. Nắng càng to thì tương càng vàng, càng sánh. Nắng yếu hoặc không có nắng thì tương sẽ xỉn, ít có mùi thơm, mẻ tương ấy sẽ không được xem là thành công. Tương được phơi nắng trong vòng ít nhất một tháng và luôn được theo dõi cẩn thận. 

Ánh sáng mặt trời làm nóng chum, giúp tương chín nhanh hơn. Trời càng nhiều nắng thì tương chín càng nhanh. (Ảnh: Đăng Anh - Vinh Phạm)

Hàng ngày người làm tương phải mở nắp chum, khuấy đều và cho thêm nước vào tương, trời nắng thì phơi, trời mưa thì đậy kín miệng để nước mưa không lọt vào tương nếu không tương sẽ bị úng. Phơi tương cho tới khi nếm thử thấy nước tương sánh ngọt, vị đậm đà, hạt xôi mềm, màu tương vàng sậm như mật ong là tương đã ngấu. Như vậy, quy trình để làm tương rất cầu kỳ, dù có nhiều vùng cũng làm tương nhưng hương vị không được thơm ngọt giống như Tương Bần. 

Tương Bần không những là đặc sản trứ danh của vùng ven sông Hồng mà còn nổi tiếng khắp cả nước. Làng nghề làm tương Bần cũng dần trở thành điểm du lịch văn hóa đặc sắc của những người yêu khám phá.

Ảnh có chứa tác phẩm nghệ thuậtMô tả được tạo tự động

Làng Bần trở thành điểm du lịch văn hóa thú vị

 Cũng như thứ nước chấm giản dị ấy luôn được chọn để làm quà dành cho người thân, bạn bè ở phương xa – món quà mang đậm vị của đồng bằng Bắc Bộ. Từ Bắc chí Nam, không ai là không biết:

“Em đi trăm quán ngàn cầu

Hải vị cũng thuộc, sơn hào cũng quen

Mà sao em vẫn cứ thèm

Đĩa rau muống luộc, lại thêm tương Bần.”

Theo Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, tương Bần - Hưng Yên xếp thứ nhất trong top 10 đặc sản nước chấm và gia vị nổi tiếng nhất Việt Nam. Vì thế, hàng năm có hàng nghìn lít tương được vận chuyển sang khắp các nước như Anh, Pháp, Nga, Hàn Quốc,…

Đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (ở giữa) trao bằng kỷ lục cho đại diện UBND tỉnh Hưng Yên

“Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì; Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn”. Tương bần không chỉ là một món ăn đặc sản mà còn là biểu tượng của làng nghề và cộng đồng Hưng Yên. Nó đại diện cho sự tự hào và danh tiếng của làng nghề truyền thống. Tại đây, người dân thường tổ chức các hoạt động liên quan đến Tương Bần như lễ hội văn hóa ẩm thực hay các sự kiện giao lưu văn hóa để tạo nên một không gian giao thoa và gắn kết cộng đồng. Không chỉ vậy, Tương Bần Hưng Yên còn mang trong nó những giá trị văn hóa sâu sắc. Qua quá trình làm tương Bần, người dân làng Bần đã phát triển được những kỹ thuật truyền thống và tạo nên những bí quyết riêng để làm ra một loại tương đặc trưng, thơm ngon và đậm đà hương vị. Cách làm tương Bần đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa đời sống người dân làng Bần nói riêng và kho tàng ẩm thực của đất nước nói chung. Tương Bần được coi là một đặc sản nổi tiếng và đại diện cho nét văn hóa ẩm thực truyền thống. Việc bảo tồn và phát triển Tương Bần là một nhiệm vụ quan trọng để giữ gìn và truyền lại các giá trị văn hóa ẩm thực đặc trưng cho thế hệ sau. Với giá trị lịch văn hóa sâu sắc, tương Bần góp phần vào việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa ẩm thực của đất nước. Nó đã tạo ra một không gian để người dân cùng nhau làm việc, chia sẻ, gắn kết thông qua việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa dân tộc.

Đăng ngày: 29/01/2024 , 14:23 GMT+7

Tin liên quan