Giao lưu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

Đăng ngày: 09/04/2022 , 12:09 GMT+7

Sáng 9.4 tại đền Hạ Tụ Nghĩa - Quốc Mẫu Tây Thiên, Trung ương Hội Nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Văn hóa Đông Nam Á đã tổ chức “giao lưu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ”. Đây là điểm hẹn tâm linh lớn của các thanh đồng đạo quan đến từ các tỉnh, thành phố trên địa bàn toàn quốc.

Tham dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Hồng Kiên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình, đại biểu Bộ Nội Vụ Đào Minh Hoàn, Chủ tịch thị trấn Đại Đình Trần Quốc Binh, đại diện Báo Pháp Luật Nguyễn Minh Đại,… cùng với sự góp mặt của các thanh đồng, đồng thầy, nhân dân,…  

Giao lưu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt 2022 diễn ra tại đền Hạ Tụ Nghĩa trong hai ngày, mùng 9 - 10.4

Chương trình Giao lưu Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt năm 2022 là hoạt động nhằm tôn vinh và phát huy giá trị di sản văn hóa Phi vật thể, thông qua đó giới thiệu đến đông đảo nhân dân những tiết lễ đặc sắc trong nghi lễ hầu đồng. Đồng thời, tuyên truyền công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong tín ngưỡng thờ Mẫu đến với cộng đồng.   

Phát biểu tại buổi lễ, Viện trưởng Viện nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa Đông Nam Á - ông Phạm Văn Thăng nhấn mạnh: “Đây là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa sâu sắc và đặc biệt quan trọng trong công tác phối hợp hoạt động giữa Viên nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa Đông Nam Á và các thanh đồng, đạo quan đến từ các tỉnh, thành phố trên địa bàn toàn quốc. Thiết thực chào mừng kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2022) và 25 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc và ngày giỗ tổ Hùng Vương mùng 10/3, Nhâm Dần”.

Viện trưởng Phạm Văn Thăng phối hợp tổ chức Giao lưu Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt 2022 phát biểu khai mạc chương trình

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian mang sắc thái nguyên thủy và có chiều dài lịch sử hàng ngàn năm. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu luôn có sự gắn bó, dung hòa với các tôn giáo, tín ngưỡng khác, nương tựa, bổ sung cho nhau để cùng tồn tại, phát triển và trở thành một tín ngưỡng bản địa riêng có của Việt Nam.

Tiến hành thực hiện các nghi thức trong buổi lễ

Với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, đây là tín ngưỡng dân gian đặc sắc, có sức sống lâu bền của người Việt. Thực hành của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016. Di sản văn hóa phi vật thể này được coi là “bảo tàng sống” lưu giữ bản sắc văn hóa, lịch sử của người Việt, có sự phân bố và lan tỏa ở nhiều địa phương trong cả nước như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Vĩnh Phúc,…

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa Đông Nam Á thực hiện các nghi lễ trong buổi lễ

Tây Thiên - Tam Đảo, miền đất thiêng liêng, nơi linh khí non sông hội tụ. Đây là nơi hội tụ, giao thoa và hợp thiêng của nhiều nền văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, và đặc biệt đây là nơi khởi nguồn của Đạo Mẫu Việt Nam.

Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu - con người của huyền sử gắn liền với nhà nước Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Tương truyền, thời Văn Lang ở Đông Lộ Trang có người phụ nữ Lăng Thị Tiêu nổi tiếng thần thông hiển hóa, thục nữ anh tài hào kiệt bậc nhất. Bà có công lao to lớn giúp Vua mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc. Trải qua các triều đại đã lập bàn thờ và phong tặng “Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Đại Vương Đệ Nhất Thượng Đẳng Phúc Thần”. Nhân dân tôn kính lập nhiều đền, miếu thờ phụng và trở thành tín ngưỡng mang giá trị biểu tượng của Vĩnh Phúc - Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên. 

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên cùng với Tín ngưỡng thờ Hùng Vương, Tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh là một trong ba tín ngưỡng cổ nhất vùng Bắc Bộ. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận, đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2020.

Ông Dương Văn Minh - PGĐ bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc - Trưởng ban Đối ngoại viện Nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa Đông Nam Á

Bàn về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, PGĐ bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc - Trưởng ban Đối ngoại Viện nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa Đông Nam Á - Ông Dương Văn Minh cho biết: “Vĩnh Phúc rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đặc biệt khu di tích đền Hạ Mẫu thuộc quần thể khu phức hợp văn hóa du lịch, tâm linh nổi tiếng trên dãy núi Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc, được công nhận Di Tích Quốc Gia Đặc Biệt năm 2017. Tỉnh Vĩnh Phúc rất quan tâm về việc trùng tu, nâng cấp, cải tạo di tích nơi đây thành trung tâm hội tụ các thanh đồng đạo quan về giao lưu, học hỏi hoạt động hầu đồng, thờ Mẫu".

Nhằm cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Viện nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa Đông Nam Á cùng các thanh đồng đạo quan đến từ các tỉnh, thành phố trên địa bàn toàn quốc tổ chức giao lưu, thực hành Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt tại đền Hạ (Tụ nghĩa) thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Tây thiên, Tam Đảo.

Tiết mục khai mạc buổi lễ

Chương trình không chỉ là điểm hẹn tâm linh của các thanh đồng, các hội viên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm mà còn là lời khẳng định Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc và là động lực phát triển của đất nước. Là dịp tôn vinh công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

Giao lưu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ 2022 biểu dương và tôn vinh các cá nhân đã có những hoạt động, đóng góp tích cực trong việc tham gia thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thờ Mẫu trong thời gian qua. Khích lệ các nghệ nhân thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ để tín ngưỡng thờ Mẫu gần gũi hơn với cuộc sống, trở thành điểm tựa tâm linh trong tâm hồn mỗi người con đất Việt.  

Ông Phạm Văn Thăng (Viện trưởng) và Bà Nguyễn Thị Thanh Hương (Phó Viện trưởng) Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát triển Văn hóa Đông Nam Á trao tặng bằng khen vinh danh các cá nhân đã có những hoạt động, đóng góp tích cực trong công tác thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thờ Mẫu trong thời gian qua

Diễn ra trong 2 ngày, mùng 9 - 10.4, các hoạt động trong khuôn khổ chương trình sẽ góp phần tăng thêm sự gắn kết cộng đồng dân tộc, thể hiện trách nhiệm tinh thần yêu nước, niềm tự hào về lịch sử, văn hóa, bản sắc dân tộc qua những triết lý, quy tắc,… và những yếu tố văn hóa nghệ thuật trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

Đồng thời, tuyên truyền và định hướng cho cộng đồng nhận thức đầy đủ giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ theo đúng quy chuẩn thuần phong mỹ tục. Ghi nhận những đổi mới trong xã hội đương đại, song vẫn đảm bảo kế thừa truyền thống, đúng lễ nghi và trang nghiêm. Cần để tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được thực hiện, được trao quyền đúng với ý nghĩa, bản sắc tốt đẹp và đặc sắc vốn có. Không để bị làm sai lệch, biến tướng; bị làm tầm thường hóa, thương mại hóa.

Đồng thầy Đinh Thị Nhung thực hành nghi lễ hầu đồng khai hội

Giao lưu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt 2022 có nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa với sự tham gia của 16 nghệ nhân, thanh đồng, đồng đền đến từ Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang,… các con nhang đệ tử, nhân dân Vĩnh Phúc và nhiều tỉnh thành khác.

Một số hình ảnh trong chương trình Giao lưu Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt 2022 tại đền Hạ Tụ Nghĩa (Vĩnh Phúc):

Nghệ nhân, Đồng thầy Nguyễn Quang Hà thực hiện nghi lễ hầu đồng

Đồng thầy Trần Ngọc Lệ trình diễn giá Quan Tam và giá Chúa Đệ Nhất

Nghệ nhân Vũ Thị Năm trong giá chầu Quan lớn Đệ Tam

Ông Phạm Văn Thăng (Viện trưởng) và bà Nguyễn Thị Thanh Hương (Phó Viện trưởng) Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Văn hóa Đông Nam Á chụp ảnh lưu niệm cùng các thanh đồng sau buổi giao lưu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ

Đăng ngày: 09/04/2022 , 12:09 GMT+7

Tin liên quan