Sông băng cao nhất trên đỉnh Everest mỏng đi 54 m

Đăng ngày: 09/02/2022 , 09:35 GMT+7
Nghiên cứu mới cho thấy lượng băng mất 2.000 năm để hình thành trên sông băng South Col đã tan chảy hoàn toàn kể từ những năm 1990.

Khung cảnh hoàng hôn ở South Col, sông băng cao nhất trên đỉnh Everest. Ảnh: Live Science

Khung cảnh hoàng hôn ở South Col, sông băng cao nhất trên đỉnh Everest. Ảnh: Live Science

Nằm ở độ cao 8.000 m so với mực nước biển, South Col được xem là một trong những sông băng ít bị tác động nhất bởi biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Khí hậu và Khoa học Khí quyển npj hôm 3/2 đã chỉ ra thực tế gây sốc rằng nó đang mất băng nhanh hơn tới 80 lần so với tốc độ băng tích tụ trên bề mặt.

Sau khi lắp đặt hai trạm thời tiết cao nhất thế giới trên đỉnh Everest, nhóm nghiên cứu do nhà băng học Paul Mayewski từ Viện nghiên cứu Biến đổi Khí hậu thuộc Đại học Maine dẫn đầu đã thu thập một lõi băng tại South Col để phân tích. Với dữ liệu trong tay, nhóm đã chạy các mô hình máy tính để mô phỏng sự tăng trưởng và co lại của sông băng trong hàng nghìn năm.

Kết quả cho thấy sông băng South Col đã mất hơn 54 m độ dày chỉ trong 25 năm qua, tương đương lượng băng tích tụ trong suốt 2.000 năm. Trong khi tác động của gió và độ ẩm có thể đóng góp phần nào, Mayewski nhấn mạnh, nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu gây ra bởi con người.

Trên thực tế, nhóm nghiên cứu phát hiện, Sông băng Nam Col có thể đã bắt đầu mỏng đi do biến đổi khí hậu ngay từ những năm 1950. Tuy nhiên, đến những năm 1990, tốc độ tan chảy tăng nhanh đáng kể khi lớp tuyết bao phủ cuối cùng của sông băng biến mất, để lộ lớp băng thô trước bức xạ của mặt trời.

"Nghiên cứu này trả lời một trong những câu hỏi lớn được đặt ra trong cuộc thám hiểm gần đây của chúng tôi - liệu các sông băng cao nhất trên hành tinh có an toàn trước biến đổi khí hậu hay không. Câu trả lời là có, rất rõ ràng kể từ cuối những năm 1990", Mayewski cho biết.

Sự suy giảm nhanh chóng của sông băng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đỉnh Everest và những người sống gần nó. Các tác giả nghiên cứu phát hiện, sự tan chảy có thể dẫn đến nhiều tuyết lở hơn hoặc để lộ nhiều đá móng khiến địa hình trở nên nguy hiểm hơn đối với những người leo núi.

Đoàn Dương (Theo Live Science)/VNE

Đăng ngày: 09/02/2022 , 09:35 GMT+7

Tin liên quan